Đây là một trong các ý kiến của một số cơ quan đơn vị và chuyên gia tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Doanh nghiệp Việt còn nhỏ
Phát biểu tại Diễn đàn, TS.Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Việt Nam tăng rất mạnh, đạt con số 1,2 - 1,3 triệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực chất số doanh nghiệp tồn tại và hoạt động thì chỉ khoảng 680.000, tính chung cả khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 684.000 doanh nghiệp này, số doanh nghiệp tư nhân trong nước khoảng 660.000 doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22.000 doanh nghiệp FDI.
“Số lượng 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động đây là con số rất ấn tượng, nhưng nếu so với ASEAN thì cho thấy, sức phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé”, TS. Lê Duy Bình nói.
Đơn cử như Thái Lan, quốc gia có dân số thấp hơn Việt Nam, nhưng có 3 triệu doanh nghiệp; tại Indonesia, dân số gấp rưỡi Việt Nam nhưng họ có 5 triệu doanh nghiệp… Như vậy, khoảng cách số lượng doanh nghiệp/1.000 dân tại Việt Nam còn khá xa so với nhiều nước ASEAN và con số 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động cũng có khoảng cách rất xa so với mục tiêu Việt Nam có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.
Nhìn vào xu thế tăng trưởng trong 5 năm vừa qua, ông Bình cũng chia sẻ, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại, cho thấy động lực tăng trưởng chậm lại.
Tuy tỷ trọng tích tụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong 5 năm qua, từ 53% năm 2016 lên 59% năm 2020, nhưng quy mô doanh nghiệp lại có xu hướng nhỏ dần. Từ mức trung bình 18 lao động/doanh nghiệp đã giảm chỉ còn 13-14 lao động/doanh nghiệp, như vậy cho thấy quy mô doanh nghiệp tư nhân chỉ nhỏ bé tương tự hộ gia đình.
Đặc biệt, quy mô trung bình của khối doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ so với quy mô trung bình của khối doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế này dẫn tới không tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung vào đầu tư công nghệ…
Do đó, 5 năm tốc độ đóng góp cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn chỉ mức 7,8% năm 2016 lên 9,6% năm 2020, còn xa với mục tiêu tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65% như mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ-TW.
Nâng sức cạnh tranh vươn ra quốc tế
Liên quan đến vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong mở rộng và khai thác thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, thực tế thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA đã ký kết. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá khoảng 61,19 tỉ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Nhờ vậy mà trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Theo ông Trịnh Minh Anh, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cần các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong...
Thứ hai, chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn...
Thứ ba, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ... theo các hướng (Xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu của các tập đoàn, doanh nghiệp của các quốc gia khác).
Thứ tư, hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) Hải Quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này.
Thứ năm, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gẫy của các chuỗi cung ứng này.