Để khảo sát mang tính đại diện, Nhóm nghiên cứu xây dựng mục tiêu khảo sát với 2500 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đặt mục tiêu thu về tối thiểu 300 doanh nghiệp. Kết thúc khảo sát, dự án đã hoàn thành hơn 118% chỉ tiêu về lượng phiếu đã đề ra.
Theo kết quả khảo sát, trên 60,5% lượng DNNVV cho biết đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ sản xuất do việc khách hàng hủy đơn hàng là một trong những tác động lớn nhất tới doanh nghiệp của họ. Một số doanh nghiệp bị khách hàng trì hoãn hoặc từ chối thanh toán cho các đơn hàng đã hoàn thành, những tác động đối với doanh nghiệp và người lao động là rất lớn.
Thông tin thu thập trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19 năm 2020-2021 “Nhiều nhà mua hàng hủy đơn bất ngờ, một số thì yêu cầu giảm giá thậm chí giảm tới 70%. Vì vậy mà các nhà máy phải cho người lao động nghỉ việc từ 50-80% và cho thôi việc 10%”.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ nhận thức về pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp theo 6 mức độ, từ “chưa hề biết” tới “rất tốt”. Tuy nhiên, để giúp người tham gia khảo sát định lượng mức độ hiểu biết, Nhóm nghiên cứu đã cung cấp diễn giải chi tiết từng cấp độ.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân loại thành 3 nhóm: Doanh nghiệp có nhận thức khá trở lên, chiếm tỷ lệ 32,96%; Doanh nghiệp có nhận thức trung bình, bao gồm: “bình thường” và “đã từng nghe thấy nhưng không nắm rõ”, chiếm tỷ lệ 50,7%; Doanh nghiệp chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh, chiếm tỷ lệ 16,34%.
Như vậy, mức độ trung bình về nhận thức pháp luật cạnh tranh của khảo sát này là “đã từng nghe thấy nhưng không nắm rõ” và “bình thường”.
Trong nhóm doanh nghiệp có nhận thức pháp luật cạnh tranh từ khá trở lên, doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở nhận thức khá, tức là hiểu biết về hành vi quy định tại pháp luật cạnh tranh (17,18%). Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp có nhận thức pháp luật cạnh tranh ở mức độ “rất tốt” hầu hết là doanh nghiệp tư vấn luật, hoặc văn phòng luật sư.
Ngoài ra, 16,34% doanh nghiệp lựa chọn đáp án “chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh”, đây là một tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nếu so sánh với một khảo sát đã thực hiện tại năm 2015 liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh, tỷ lệ DNNVV chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh có giảm mạnh.
Cũng theo kết quả khảo sát, phương tiện thông tin đại chúng là nguồn phổ biến nhất, với tỷ lệ lựa chọn lên đến 78,02%. Nguồn thông tin phổ biến thứ hai là hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức khác; và kênh thông tin tư vấn từ chuyên gia pháp lý, luật sư.
Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn các kênh này lần lượt là 38,59%; 44,78% và 37,46%. Tuy nhiên, chỉ 2,53% số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát được biết pháp luật cạnh tranh thông qua vụ việc cạnh tranh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng liệt kê kênh thông tin khác như: “kiến thức nội bộ của doanh nghiệp thông qua công ty mẹ hoặc nhân viên bộ phận pháp chế; được đối tác đề cập giới thiệu”.
Để khảo sát nhận thức liên quan đến hành vi, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xây dựng câu hỏi khảo sát tập trung ở 3 vấn đề chính: Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng , bị cấm mặc định theo quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 ; Chính sách khoan hồng; Lợi ích khi doanh nghiệp phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ việc; Miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Đối với các hành vi được diễn giải trong phiếu khảo sát, nếu doanh nghiệp thực hiện thì doanh nghiệp đó không chỉ vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn có thể vi phạm Bộ Luật hình sự. Mặc dù hành vi có tính chất nghiêm trọng như trên, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng chưa cao.
Doanh nghiệp nhận thức đúng các hành vi này chỉ đạt tỷ lệ từ 49% tới 57%. Trong khi đó, khoảng 25% doanh nghiệp tham gia khảo sát không đưa ra nhận định về hành vi và lựa chọn “không biết”.
Đáng chú ý, khoảng 20% tới 30% doanh nghiệp cho rằng các hành vi diễn giải nêu trên là “đúng” và được phép thực hiện, điều này phản ánh một phần thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp hiểu biết sai có thể không thực hiện hành vi, mà chính là các các bên chịu tác động của hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, do nhận thức sai lệch nên các doanh nghiệp này coi các hành vi vi phạm như là thông lệ kinh doanh trên thị trường. Việc nhận thức sai lệch này tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh được thực hiện, tạo nên tác động không lành mạnh tới môi trường kinh doanh, cũng như gây tổn hại tới phúc lợi xã hội, cũng như quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hiểu đúng về quy định doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường thấp, đạt 46,20% lượng mẫu. Trong khi đó, 21,13% doanh nghiệp trả lời sai và 32,68% doanh nghiệp trả lời không biết.
Đối với quy định liên quan đến tập trung kinh tế, hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhận thức về định nghĩa tập trung kinh tế phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh. 84,79% doanh nghiệp trả lời đúng câu hỏi về định nghĩa tập trung kinh tế.
Nhận thức về quy định tập trung kinh tế bị cấm, thủ tục thông báo tập trung kinh tế và tập trung kinh tế có điều kiện của doanh nghiệp ở mức trung bình. Khoảng 76% doanh nghiệp trả lời đúng câu hỏi về tập trung kinh tế bị cấm. Ngoài ra, khoảng 56% doanh nghiệp không đồng ý với quan điểm “Tập trung kinh tế liên quan đến thị trường Việt Nam không bị cấm trong mọi trường hợp và doanh nghiệp được tự do thực hiện”. 52,11% doanh nghiệp biết được quy định thông báo tập trung kinh tế phù hợp với quy định tại pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, 53,52% doanh nghiệp có nhận thức đúng về quy định tập trung kinh tế có điều kiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sai hoặc không biết đối với các câu hỏi liên quan tới quy định tập trung kinh tế còn ở mức cao. Khoảng 48% doanh nghiệp trong khảo sát không biết hoặc trả lời sai về quy định thông báo tập trung kinh tế (tỷ lệ trả lời sai chiếm 22,81%, không biết chiếm 25,07%). Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng sau khi nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể ngay lập tức tự động thực hiện vụ việc chiếm khoảng 9%. Đối với quy định tập trung kinh tế có điều kiện , 33,80% doanh nghiệp không biết về quy định này, 12,67% doanh nghiệp có quan điểm không phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh.
Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp có nhận thức ở mức khá. Số lượng doanh nghiệp trả lời đúng định nghĩa hành vi cạnh tranh không lành mạnh chiếm tới 60,29% số lượng tham gia khảo sát.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhìn chung nhận thức của doanh nghiệp về hình thức xử phạt hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh còn thấp.
Khoảng 30,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát có câu trả lời đúng đối với các hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật cạnh tranh. Khoảng 45% doanh nghiệp trả lời đúng mức phạt tiền đối với hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi vi phạm quy định tập trung kinh tế. 51,54% doanh nghiệp có nhận thức đúng về mức phạt tiền của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Như vậy, DNNVV tham gia khảo sát có mức độ hiểu biết pháp luật cạnh tranh chưa cao, chưa có khả năng vận dụng pháp luật cạnh tranh một cách hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, do nhận thức chưa cao, doanh nghiệp còn có nhiều tâm lý lo ngại không phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu cũng như môi trường công nghiệp 4.0.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc vận dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng ngày của doanh nghiệp được xem như công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân doanh nghiệp đó. Trong khi đó, mức độ nhận thức của số đông DNNVV tham gia khảo sát chưa nhận thấy vấn đề nêu trên.