Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm - cần hiểu như thế nào?

Thiên Minh | 20:08 02/08/2023

Lần thứ hai trong lịch sử chính phủ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, do nợ công ngày càng tăng và “sự suy giảm trong tiêu chuẩn quản trị”.

Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm - cần hiểu như thế nào?

Nội dung chính:

  • - Ngày 1/8/2023, lần thứ hai trong lịch sử, chính phủ Mỹ bị Fitch, một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm từ AAA (mức xếp hạng cao nhất) xuống AA+, sau thời gian dài cảnh báo triển vọng tiêu cực.
  • - Ở lần rớt hạng đầu tiên năm 2011, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh từ 5-7% chỉ trong một ngày. 
  • - Việc bị xếp hạng tín dụng thấp hơn có thể làm tăng chi phí vay của chính phủ Mỹ trong tương lai - nhưng không vì thế mà dòng vốn có thể dễ dàng chảy sang các thị trường mới nổi. 

Xếp hạng tín nhiệm, nói đơn giản, là việc xem xét khả năng thanh toán nợ của cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ. 

Fitch, một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, ngày 1.8 đã hạ xếp hạng của Chính phủ Mỹ từ AAA (mức xếp hạng cao nhất) xuống AA+. 

Điều này đồng nghĩa việc cho Chính phủ Mỹ vay tiền mang lại nhiều rủi ro hơn cho các tổ chức cấp tín dụng và có thể làm tăng chi phí vay của chính phủ Mỹ trong tương lai.

Không chỉ do vấn đề nợ công ngày càng tăng, việc chính phủ Mỹ bị Fitch hạ bậc xếp hạng còn do sự phân cực ngày càng tăng giữa hai Đảng đối lập về chính sách chi tiêu và thuế, dẫn đến nhiều lần bế tắc giải quyết trần nợ công và giải pháp bao giờ cũng chỉ được đưa ra vào phút chót.

Cụ thể, sau nhiều tháng tranh cãi về thuế và chi tiêu, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa mới đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ bằng cách hoãn áp dụng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD đến đầu năm 2025 hồi tháng Sáu vừa qua.

Việc hạ xếp hạng Mỹ phản ánh sự suy thoái tài chính dự kiến trong ba năm tới, gánh nặng nợ công của chính phủ cao và ngày càng tăng, cũng như sự suy giảm về tiêu chuẩn quản trị”, Fitch cho biết.

Lịch sử lặp lại

Đây cũng phải lần đầu tiên chính phủ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. Năm 2011, Standard & Poor’s (S&P) - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới - cũng hạ từ bậc AAA xuống AA+.

Nguyên nhân của lần hạ bậc khi đó cũng là do bất đồng giữa hai Đảng trong việc quyết định nâng trần nợ công khiến Mỹ thoát cảnh vỡ nợ vào phút chót, “làm giảm lòng tin vào khả năng điều hành tài chính của Chính phủ”, theo S&P.

Chỉ một ngày sau khi thông báo của S&P được đưa ra, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng mạnh mẽ khi cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều sụt giảm mạnh từ 5-7%, dù S&P trước đó đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng nếu Quốc hội không đạt được thống nhất về việc tăng trần nợ công và chọn được giải pháp dài hạn để giảm nợ.

Việc hạ bậc xếp hạng năm 2011 của S&P chịu nhiều chỉ trích từ Bộ Tài chính, và nhiều chính trị gia ở cả hai Đảng. Chính phủ Mỹ ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra về vai trò của S&P trong việc xếp hạng một số tổ chức tín dụng có ảnh hưởng trong khủng hoảng tài chính 2008. 

CEO khi đó của S&P, Deven Sharma, phải từ chức 18 ngày sau thông báo hạ bậc tín nhiệm, như một cách hàn gắn quan hệ với chính phủ. Tuy nhiên, đến nay S&P vẫn chưa khôi phục bậc AAA cho Mỹ.

Cảnh báo sớm của Fitch 

Năm 2019, Fitch đưa ra cảnh báo tổ chức này có thể hạ bậc xếp hạng của Chính phủ Mỹ nếu các nhà làm luật không thể thống nhất trần nợ công. 

Năm tiếp theo, Fitch chính thức thay đổi triển vọng từ “ổn định” sang “tiêu cực”, ghi chú rằng chính phủ Mỹ hiện có mức nợ cao nhất trong số các tổ chức được xếp hạng hàng đầu.

Tháng 5/2023, Fitch một lần nữa cảnh báo về việc theo dõi triển vọng tiêu cực giữa căng thẳng tranh cãi về trần nợ công tại Quốc hội Mỹ. Dù thỏa thuận đã đạt được giữa hai Đảng, nhưng đến đầu tháng Tám, Fitch cũng không tránh được việc theo chân S&P, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Chính phủ Mỹ để phản ánh sự suy thoái về quản trị tài chính trong tương lai.

Fitch chỉ ra rằng Mỹ thiếu “khuôn khổ tài chính trung hạn” và chỉ “tiến bộ hạn chế” trong việc giải quyết những thách thức phát sinh từ chi phí an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng do dân số già.

Hạ bậc tín dụng thì ảnh hưởng gì?

Fitch giảm xếp hạng của Chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+ với nhận định triển vọng “ổn định”, vì vậy, khả năng thanh toán nợ của Mỹ vẫn đáng tin cậy. Chính phủ Mỹ vẫn là một trong những “con nợ” uy tín nhất thế giới bên cạnh các quốc gia vẫn duy trì xếp hạng AAA như Úc, Đan Mạch, Đức,...

Dù vậy, điều này vẫn là một sự kiện bất thường và có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Cụ thể, việc giảm xếp hạng tín dụng có thể dẫn đến việc phải tăng lãi suất trên trái phiếu chính phủ Mỹ, từ đó dẫn đến việc tăng chi trả lãi suất trên nợ quốc gia, gây thêm áp lực lên chi tiêu ngân sách.

Từ đó, nền kinh tế của Mỹ có thể bị ảnh hưởng và làm suy giảm niềm tin ở nhà đầu tư, dẫn đến tâm lý tiêu cực trên các thị trường vốn.

Việc hạ bậc tín dụng cũng có thể làm giảm tính ổn định của đồng đô la Mỹ, ảnh hưởng đến việc luân chuyển các loại tiền tệ khác trên thế giới.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là dự đoán. Trong lịch sử, trái phiếu kho bạc Mỹ, đối tượng chủ chốt của việc hạ xếp hạng năm 2011, thực tế lại tăng giá (do lợi suất giảm) và đồng đô la Mỹ cũng tăng so với đồng Euro và bảng Anh, có thể do cuộc dịch chuyển dòng vốn giữa lo lắng về khủng hoảng nợ ở châu Âu lúc bấy giờ.

Dòng vốn vào các thị trường mới nổi có bị ảnh hưởng?

Bất cứ sự kiện kinh tế lớn nào xảy ra tại Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến thị trường thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lần hạ bậc tín dụng này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn đổ vào các nước khác, vì Fitch đã sớm cảnh báo từ tháng Năm.

Thị trường có thể đã lường trước điều này. Đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu Mỹ chỉ giảm nhẹ chứ không có phản ứng mãnh liệt như hồi năm 2011. 

Việc thay đổi xếp hạng này sẽ không ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi (EMs), bao gồm thị trường Ấn Độ, chủ yếu vì khả năng hạ xếp hạng này đã được Fitch cảnh báo từ tháng Năm rồi. Thị trường đã đoán trước khả năng này”, ông Manish Chowdhury, Trưởng nhóm Nghiên cứu tại StoxBox trả lời phỏng vấn tờ Mint.

Ông Shiv Sehgal, Chủ tịch và Trưởng phòng giao dịch tại Nuvama Capital Markets cũng có quan điểm tương tự.

Những gì Fitch nói không sai, nhưng cũng không có gì mới mẻ và không có bất kỳ ảnh hưởng thực tế nào của việc giảm xếp hạng... Theo quan điểm của tôi, giá cổ phiếu Mỹ, với việc tăng nhanh gần đây, hiện đã khá đắt đỏ, và điều này khiến chúng trở nên rất nhạy cảm với các sự kiện bên ngoài”, ông Sehgal phủ nhận tác động lớn của việc Fitch hạ xếp hạng tín dụng.

Sehgal cũng chỉ ra rằng Ấn Độ đã là điểm đến tốt nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. Theo quan sát của ông Sehgal, trong vài tháng gần đây, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ có xu hướng được đẩy mạnh.

Ấn Độ đã có dấu hiệu kiểm soát lạm phát và quản lý chính sách tiền tệ tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên toàn cầu. Gần đây, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Mô hình dự báo lạm phát đang cho thấy sự giảm mạnh của lạm phát tại Ấn Độ. Điều này khiến Ấn Độ nổi bật so với các nước khác cùng nhóm”, ông Sehgal nói.


(0) Bình luận
Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm - cần hiểu như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO