Mục tiêu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn xa vời

Dương Trang | 09:42 13/05/2024

Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội được quy hoạch vào nguồn vốn ưu đãi 125.000 tỷ đồng đến từ 5 ngân hàng thương mại lớn. Điều bất ngờ là sau 1 năm triển khai, thống kê mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, với chủ đầu tư - chương trình mới giải ngân được 415 tỷ đồng tại 6 dự án, còn với người mua nhà là hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án.

Mục tiêu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn xa vời
Chương trình mới giải ngân được 415 tỷ đồng tại 6 dự án, còn với người mua nhà là hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án. (Ảnh: Int)

Trước tình hình này, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024", Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH).

Gói ưu đãi 125.000 tỷ đồng bị “thờ ơ”

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Nhóm nguyên nhân thứ nhất: gói tín dụng 125.000 tỷ đồng tuy đề cập cho vay ưu đãi nhưng tỏ ra chưa phù hợp với người mua, thuê mua NƠXH. Cụ thể, không chỉ phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm với thời hạn vay 5 năm, mà mức lãi suất này bị điều chỉnh 6 tháng/lần. Sau thời hạn ưu đãi, sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi, tất yếu người mua, thuê mua nhà ở xã hội nảy sinh tâm lý ngại vay.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là những rào cản đang đặt lên vai các chủ đầu tư dự án. Chẳng hạn tạo quỹđất cho nhà ở xã hội. Thực tế toàn quốc mới quy hoạch được 36,34% quỹ đất nhà ở xã hội so với nhu cầu, việc tạo lập quỹ đất chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà không huy động được nguồn lực xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị cần tiếp tục khôi phục lại “Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%, thời hạn vay tối đa 25 năm để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhằm thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030” mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/2/2023.

Trên diễn đàn của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho BĐS, liên tục xuất hiện các đề nghị giảm 70% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích phát triển nhiều dự án nhà xã hội cho thuê. Về Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có đề xuất cần tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.

Nới lỏng điều kiện cho người mua nhà

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, kể từ tháng 7/2023 đến nay, tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này. Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án. Về phía người mua nhà, vướng bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.

Trước đó, tại một Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng tổ chức, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP cho biết, các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh loại hình này. Do đó, cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người lao động nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội.

screen-shot-2024-05-13-at-07.13.54.png
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Cũng tại Hội nghị, rất nhiều chủ đầu tư khác bày tỏ ý kiến đồng tình với ông Trần Ngọc Anh, bởi việcnới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Đại diện HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng thêm đối tượng và nới lỏng các điều kiện về người mua, thuê mua được vay gói 125.000 tỷ đồng, qua đó gián tiếp khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên cũng chính ông Trần Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh khó khăn này, Tổng Công ty Viglacera vẫn chủ động nỗ lực tạo lập nên nguồn quỹ nhà ở công nhân với khoảng gần 10.000 căn hộ đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, nằm trong Khu nhà ở công nhân tại các Khu công nghiệp. Với mức giá từ 8-10 triệu đồng/m2, diện tích từ 26m2 đến 69m2, giá bán một căn hộ đang trong khoảng từ 250 triệu đồng đến khoảng 600 triệu đồng, phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp và công nhân lao động trong các KCN. Có được mức giá đó là nhờ Viglacera kết hợp tối ưu hóa các giải pháp thiết kế đi đôi với chủ động nguồn vật liệu xây dựng tự sản xuất được, qua đó mang lại giá nhà ở tốt nhất cho người dân.

Cũng theo ông Trần Ngọc Anh, hưởng ứng Chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, hiện Viglacera vẫn tiếp tục triển khai ở 4 địa phương: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô gần 10.000 căn nhà ở xã hội.

Hơn bao giờ hết, sự nới lỏng các điều kiện để thuê và mua nhà ở xã hội mới là một trong những cách thức quan trọng tháo gỡ "nút thắt" cho phân khúc này. Ở chiều ngược lại, khi nhiều đối tượng được tham gia thị trường hơn, thanh khoản của phân khúc này cũng sẽ được cải thiện, sẽ giúp thu hút thêm sự quan tâm từ doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mục tiêu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn xa vời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO