Thị trường bất động sản suy giảm từ Quý 2/2022, với mức độ quan tâm và lượng giao dịch có xu hướng giảm, theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn.
Một trong những lý do khiến giao dịch mua bán bất động sản khó chốt là giá nhà đang neo cao với rất nhiều người có thu nhập mong muốn sở hữu nhà.
So sánh hệ số giá bất động sản/thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, với năm 2018 được chọn là mốc, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết từ năm 2018, hệ số giá bất động sản/thu nhập của Việt Nam liên tục tăng cao.
“Thậm chí đến năm 2021, hệ số này của Việt Nam còn vượt thị trường Singapore, trong khi hệ số này ở các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan có sự đi xuống”, ông Quốc Anh nói.
Theo Batdongsan.com.vn, tỷ lệ giá bất động sản/thu nhập đầu người được tính bằng chỉ số giá/m2 từ PropertyGuru chia cho Thu nhập đầu người của các quốc gia theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổng cục Thống kê (GSO).
“Hệ số giá BĐS/thu nhập người dân Việt Nam vẫn có xu hướng lên cao”, ông Quốc Anh nhận định.
Để làm rõ hơn câu chuyện giá bất động sản so với thu nhập, Batdongsan.com.vn cũng tiến hành khảo sát 442 môi giới với câu hỏi “Giá nhà thị trường sơ cấp được đánh giá thế nào?”.
Kết quả: 75% môi giới nhận định giá nhà thị trường sơ cấp đang khá cao và quá cao.
Giá nhà đang quá cao cũng là lý do tỷ lệ hài lòng với thị trường của người mua chỉ ở mức 57%, thấp hơn so với Khảo sát tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam – CSS của Batdongsan.com.vn – kỳ trước đó. Hơn 80% đáp viên nhận định giá BĐS ở mức cao, dẫn tới chỉ số khả năng mua nhà hiện tại cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hồi tháng 4/2022, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua, biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Theo đơn vị này, tại các nước công nghiệp phát triển, chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Giờ là thời điểm kích hoạt dòng tiền bắt đáy, khơi thông dòng vốn, giải cứu thị trường
Khảo sát về tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm BĐS. Khi được hỏi về dự định mua BĐS, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới.
Tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ 1 BĐS trở lên còn cao hơn. Càng nắm giữ nhiều BĐS, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. Trong cuộc khảo sát, 79% người đang có 2 BĐS cho biết họ sẽ mua thêm BĐS trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 BĐS lên đến 87%.
Những số liệu này cho thấy nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân đã và sẽ luôn ở mức cao. Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - cho biết nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự vẫn đang chờ đợi, nhưng cũng có những người muốn có nhà ở ngay đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua. Theo ông, nhu cầu thực được cho là "điểm sáng" tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng.
Mặc dù vậy, ông Tuấn cho biết để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá BĐS cần giảm tiếp.
Ông Đinh Minh Tuấn dự báo trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại, người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản, đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào "bắt đáy", mở thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn và giải cứu thị trường.