MTIP chính thức thi công cảng Mỹ Thuỷ, Tổng công ty 319 giữ vai thầu chính, CMB là đơn vị tư vấn

Đinh Tịnh - Quang Minh | 17:18 25/03/2024

Ngày 25/3, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ (MTIP) tổ chức lễ triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy. Đáng chú ý là nhà thầu chính thi công dự án là Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng và đơn vị Tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB).

MTIP chính thức thi công cảng Mỹ Thuỷ, Tổng công ty 319 giữ vai thầu chính, CMB là đơn vị tư vấn
MTIP chính thức thi công cảng Mỹ Thuỷ có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng

 Khởi công từ 2020 nhưng đến 2024 mới thi công

Theo tìm hiểu của Markettimes, Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng, phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Đến ngày 27/02/2020, dự án chính thức được nhà đầu tư làm lễ khởi công xây dựng và hứa hẹn sẽ sớm đưa khu bến cảng này thành điểm tiếp nhận được tàu container cỡ lớn 100.000 DWT, tàu hàng rời 100.000 DWT, tàu tổng hợp 50.000 DWT. Công suất trung bình mỗi bến khoảng 3 triệu tấn/năm. 

Theo thiết kế, dự án có tổng quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 685 ha, gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn (giai đoạn 1: 4 bến; giai đoạn 2: 3 bến; giai đoạn 3: 3 bến).

Tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, sau khởi công thì dự án rơi vào cảnh án binh bất động...

Đến ngày 25/3, Dự án đã chính thức tái khởi động triển khai thi công với mốc dự kiến đến năm 2025, nhà đầu tư sẽ hoàn thành từ 2 đến 4 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, với tổng chiều dài tuyến mép bến 1.300m, tổng chiều dài cầu cảng 1.350m (bao gồm cả phần cầu đệm 50 m), chiều rộng 50m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đi kèm.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án cảng Mỹ Thuỷ đã gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, chồng lấn các quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng; việc tái tái cấu trúc năng lực nhà đầu tư mất nhiều thời gian…

"Kỳ vọng, sau khởi công, dự án sẽ về đích đúng tiến độ đã đề ra. Đặc biệt khi năng lực nhà đầu tư đã được tái cấu trúc đảm bảo các điều kiện theo quy định để chính thức tổ chức triển khai thi công dự án", ông Võ Văn Hưng chia sẻ.

Đại diện phía Chủ đầu tư, ông Dương Viết Roãn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ cam kết, nhà đầu tư sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đến cuối năm 2025 sẽ đưa từ 2 đến 4 bến cảng đi vào hoạt động, khai thác, và tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các bến tiếp theo theo đúng chủ trương đầu tư đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Phấn đấu đưa bến cảng Mỹ Thuỷ thành bến cảng hiện đại, mang tầm khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Trị và Hành lang kinh tế Đông Tây. Góp phần tăng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị", ông Roãn nói.

Được biết, Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) là đơn vị tư vấn; Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng là đơn vị thi công.

"Đôi nét" về năng lực MTIP 

Theo tìm hiểu của Markettimes, Công ty Cổ phần liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) được thành lập tháng 1/2015 với vốn điều lệ đăng ký 500 tỷ đồng.

Danh sách cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam góp 350 tỷ đồng (tương đương 70% cổ phần), Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân góp 125 tỷ đồng (tương đương 25% cổ phần) và cá nhân ông Trần Khánh Hưng, trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị góp vốn 25 tỷ đồng (tương đương 5%).

Khi thành lập, Công ty do ông Nguyễn Minh Tân, sinh năm 1954, hộ khẩu thường trú tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh làm Tổng Giám đốc.

Một năm sau ngày thành lập, Cảng quốc tế Mỹ Thủy đón Tổng Giám đốc người Hàn Quốc là ông Cho Gilhyung, sinh năm 1967. Ông Cho Gilhyung cũng là Tổng Giám đốc tại Công ty mẹ - cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần lớn nhất tại Mỹ Thủy.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm sau ngày thành lập, cổ đông Công ty Khoáng sản Duy Tân đã không góp vốn theo cam kết, khiến công ty Mỹ Thủy phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng xuống còn 375 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, công ty Mỹ Thủy bất ngờ nâng vốn điều lệ từ 375 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ghi nhận Công ty Xây dựng Việt Nam vẫn nắm 70%, còn số cổ phần ông Trần Khánh Hưng nắm giữ giảm xuống còn 2% và chuyển nhượng sang một cá nhân khác là bà Trần Mai Chi.

Tháng 8/2018, công ty tăng vốn điều lệ lên 2.250 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam góp 1.575 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 70%, bà Trần Mai Chi giảm tiếp tỷ lệ sở hữu xuống 0,66% (không góp thêm vốn).

Tổng Giám đốc sau đó liên tục bị thay đổi.

Mới đây nhất, tháng 12/2023 ông Dương Viết Roãn, sinh năm 1964, quê Nam Định lên tiếp nhận "ghế nóng" điều hành Công ty cổ phần Liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy.

Cổ đông lớn của Mỹ Thủy tại dự án cảng quốc tế Mỹ thuỷ là Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2009, lấy trụ sở đóng tại quận 10, TP. Hồ Chí Mình. Khi thành lập doanh nghiệp này lấy nghành xây dựng nhà để ở làm nghành hoạt động chính với vốn điều lệ đăng ký ở mức 100 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông gồm ông Jung Tae Sung góp 49 tỷ đồng (49%), bà Đặng Thị Gầm góp 41 tỷ đồng (41%) và ông Nguyễn Quang Huy góp 10 tỷ đồng (10%).Tháng 1/2022, cổ đông Jung Tae Sung chuyển cổ phần sang cho bà Lã Thị Lụa (29%) và bà Đặng Thị Du (20%).

Vì sao ông Dương Viết Roãn về "hưu non" tại PMU Thăng Long?

Trước khi ngồi ghế Tổng giám đốc MTIP ông Dương Viết Roãn (sinh năm 1964) từng nắm nhiều chức vụ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT

Cụ thể, ông Roãn từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty XDCTGT5 (CIENCO5), Giám đốc Công ty Tư vấn 533,…

Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, ông Dương Viết Roãn đang giữ ghế Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT bất ngờ xin nghỉ "hưu non" (sớm trước 2 năm). Và chỉ 1 năm sau, ông ngồi ghế Tổng giám đốc MTIP.

20170701124459-nhan-su.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trao quyết định ông Dương Viết Roãn nhậm chức Giám đốc Ban QLDA Thăng Long từ ngày 1/7/2017

Đáng chú ý, trong thời gian làm Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, đơn vị được giao triển khai 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm:  đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều có vấn đề.

Ví dụ, tại Dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,4km, sử dụng vốn đầu tư công, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong việc khảo sát, cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đất đá đắp nền cao tốc...).

Hiện Thanh tra Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra 19 hồ sơ cấp phép, khai thác vật liệu đắp nền cao tốc để làm rõ vi phạm trong cấp phép, khai thác, thực hiện nghĩa vụ tài chính, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, khởi công tháng 9/2020, dự kiến đưa vào khai thác các dự án trước ngày 30/4/2022. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023 dự án mới được đưa vào sử dụng (chậm tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu).

Bất ngờ đến tháng 8/2023, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập nặng do mưa to, nước sông Phan dâng cao khiến dư luận và người dân bức xúc. Bộ GTVT đã phải đứng ra nhận lỗi và cam kết xử lý nghiêm những đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.


(0) Bình luận
MTIP chính thức thi công cảng Mỹ Thuỷ, Tổng công ty 319 giữ vai thầu chính, CMB là đơn vị tư vấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO