Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho biết, thực trạng tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an TP.HCM đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại rất lớn, lên đến khoảng 982 tỷ đồng.
Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, thuế, nhân viên bưu điện,…) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền 18 vụ và thủ đoạn yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản 53 vụ.
Bên cạnh đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối 102 vụ. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hack các tài khoản mạng xã hội và giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, WhatApp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định 21 vụ.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, tiki,… để nhận hoa hồng hoặc mời bị hại tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí, sau đó hướng dẫn cho bị hại đăng ký mở tài khoản trên app rồi giao nhiệm vụ để thực hiện, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, hứa hẹn sau khi xong thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản nhưng sau đó khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp 267 vụ.
Đáng chú ý, thiệt hại đối với người dân quá lớn, trung bình 1 vụ nạn nhân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. “Thiệt hại kinh tế lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại, gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực hoặc trường hợp xấu nhất do không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên phải tự chấm dứt cuộc sống của mình”, Thượng tá Đới Ngọc Thắng chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, nhất là đối với những người yếu thế (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ,..). Hình thức đào tạo cần linh hoạt, đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn, đào tạo online qua MasterTeck (nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) Blockchain và AI đầu tiên của Việt Nam theo Chiến lược Blockchain Quốc gia).
Đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội là các cơ quan công an, cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quốc tế, tổ chức cung cấp dữ liệu uy tín toàn cầu và các chương trình truy vết trên mạng blockchain (on-chain) như ChainTracer để tối ưu hiệu quả công tác điều tra, xác định và ngăn ngừa các giao dịch bất hợp pháp.
Đồng quan điểm, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân) cho biết đảm bảo mọi người đều an toàn trên không gian mạng là một mục tiêu lớn mà ĐH Cảnh sát Nhân dân nói riêng và lực lượng cảnh sát nói chung đã và đang nỗ lực thực hiện.
ĐH Cảnh sát Nhân dân cũng đang nỗ lực truyền thông, giáo dục nhận thức, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên từ bậc Trung học đến Đại học.
Ông Ngô Minh Hiếu - Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo cho biết tâm lý của nạn nhân là một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không muốn trình báo các cơ quan chức năng. Đối với các nạn nhân bị lừa đảo các khoản tiền lớn, đa phần là lừa đảo tình cảm thì họ thường lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội.
Một số người khác lại cho rằng số tiền quá nhỏ không muốn báo cáo cơ quan chức năng hoặc cho rằng báo cáo cũng không giải quyết được nên lựa chọn phương án im lặng . Cũng theo ông Hiếu, “việc chống lừa đảo trên không gian mạng không hề khó. Người dân chỉ cần chậm lại, kiểm chứng thông tin và báo cáo các cơ quan chức năng thì có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo”.
Quản lý chặt chẽ sàn giao dịch tiền mã hoá để phòng chống rửa tiền và tội phạm xuyên biên giới.
Theo ông Phan Đức Trung, số liệu từ Chainalysis cho thấy trong vòng 5 năm, từ năm 2019 - 2024, khoảng gần 100 tỷ USD tiền mã hoá bất hợp pháp đã được rửa thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Riêng năm 2022, hoạt động rửa tiền này đã lên cao nhất, tới 31,5 tỷ USD, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý về việc tăng cường giám sát, quản lý.
Tại Việt Nam nhiều đơn vị không rõ thông tin liên tiếp tổ chức các hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh những nhân vật có ảnh hưởng nhằm huy động vốn từ cộng đồng. Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về ChainTracer cho biết việc họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền ảo liên tục quảng bá, tiếp thị, truyền thông công khai, quy mô lớn, dù không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào các nhóm khách hàng dễ bị lôi kéo như sinh viên, giới trẻ.
Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng không chỉ cần thực hiện việc ngăn chặn, xử lý mà còn phải có hành động từ khâu phòng ngừa để ngăn chặn hành vi rửa tiền từ khi chưa hình thành thay vì truy vết và giải quyết các hậu quả thường là rất lớn của các hành vi này.