Ngày 3/12, tại Hà Nội, diễn ra sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024, quy tụ nhiều diễn giả trong lĩnh vực công nghệ, tài chính.
Trong buổi làm việc ngay sáng cùng ngày, chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ góc nhìn về một nguồn lực đang được đánh giá là nhiều tiềm năng – tài sản số.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, hơn một thập kỷ trôi qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).
Tại Việt Nam, ông Hưng lấy một dẫn chứng từ Forbes rằng người Việt Nam đứng hai thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Các sàn giao dịch cũng thừa giá trị giao dịch tài sản số của Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới.
Theo vị doanh nhân, trên thực tế, công nghệ, blockchain, AI, game hiện nay đã đi vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình Việt Nam. Ông cho rằng, là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tham gia.
Cụ thể, ông cho rằng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại rủi ro cho người tham gia khi thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch. Cùng đó, những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn, khiến thị trường Việt Nam mất đi cơ hội.
Bởi vậy, vị chủ tịch công ty SSI cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
“Tất cả những tài sản được pháp luật thừa nhận và được công khai đóng thuế vì chỉ khi công khai đóng thuế thì tất cả những tài sản đó mới là tài sản xanh. Ở bất cứ đất nước nào, chúng ta cần có một khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò.
Nhiều quốc gia đã coi tài sản số là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính. Chúng ta cần phải quản lý để thu thuế, để giữ về mình và để con em chúng ta có đất phát triển”, ông Hưng chia sẻ tại Hội nghị.