Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/07/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu (1) Tập trung rà soát các điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế để bảo vệ môi trường, (2) Kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường, (3) Khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông đường bộ, (4) Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động.
Với riêng Thành phố Hà Nội, Chỉ thị yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn và trong lĩnh vực giao thông đô thị.
Cụ thể, Thành phố cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/07/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01/01/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán ASEAN đánh giá các chính sách, nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường kể trên là các bước đi quan trọng giúp Việt Nam hướng tới đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025 (Net Zero), đồng thời chính sách cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội; góp phần thu hút khách du lịch cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Cổ phiếu nào hưởng lợi lớn nhất?
Xét từ góc độ đầu tư, vị chuyên gia ASEANSC cho rằng các chính sách, nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường có thể hỗ trợ triển vọng kinh doanh của (1) các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch do nhu cầu chuyển đổi phương tiện giao thông tăng dần; (2) các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, vận hành phương tiện giao thông không sử dụng nguyên, nhiên liệu hóa thạch; (3) các doanh nghiệp cung ứng nguyên, nhiên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.
Đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết, chuyên gia đánh giá cổ phiếu của các nhóm doanh nghiệp sau có thể hưởng lợi:
Thứ nhất, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối xe điện. Theo đó, Vingroup (HOSE: VIC) có thể hưởng lợi nhờ triển vọng tăng trưởng tiêu thụ xe điện của VinFast, đặc biệt đến từ nhu cầu gia tăng mạnh bởi hoạt động chuyển đổi từ các phương tiện sử dụng xăng, dầu tại TP. Hà Nội. Theo số liệu công bố từ VAMA, 3 mẫu xe Vinfast VF3, VF5 và VF6 tiếp tục dẫn đầu về quy mô tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025.
Thêm vào đó Tasco (HNX: HUT) hiện là nhà phân phối với các thương hiệu xe điện của Geely (Trung Quốc) và TMT Motors (HOSE: TMT) đang thực hiện sản xuất, lắp ráp và phân phối xe điện của Wuling Automobile (Trung Quốc) cũng sẽ hưởng lợi nhờ tiêu thụ xe điện gia tăng. Mặc dù vậy, mức độ hưởng lợi của HUT và TMT sẽ hạn chế hơn do nhóm ô tô chạy xăng, dầu vẫn chiếm trọng số lớn trong danh mục mặt hàng kinh doanh.
Thứ hai, cổ phiếu thuộc của các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, vận hành phương tiện giao thông không sử dụng nguyên, nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, PV Power (HOSE: POW) được hưởng lợi nhờ chiến lược phát triển hệ thống trạm sạc xe điện. PV Power khánh thành trạm sạc xe điện đầu tiên vào cuối tháng 10/2024 và dự kiến phát triển lên tới 1000 trạm sạc vào năm 2035.
Ông Tâm cũng dự báo hiệu ứng khả quan cũng sẽ lan tỏa tới nhóm cổ phiếu Viettel trong bối cảnh Tập đoàn này đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Vingroup. Cụ thể hơn, Viettel hợp tác với VinFast để nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, thiết kế,.. qua đó đưa các sản phẩm thế mạnh của Viettel như linh kiện điện tử, trạm sạc, ứng dụng phần mềm vào chuỗi cung ứng của VinFast. Trong các công ty thành viên của Viettel, Công trình Viettel (HOSE: CTR) là nhà thầu tham gia vào hoạt động xây dựng trạm sạc điện cho VinFast.
Bên cạnh Viettel, FPT (HOSE: FPT) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Vingroup về thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Theo công bố từ FPT, VinFast sẽ xem xét ưu tiên sử dụng dịch vụ công nghệ phần mềm ô tô và dịch vụ cung cấp thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của FPT.
Trong khi đó, Petrolimex (HOSE: PLX) mặc dù là doanh nghiệp rất năng động trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách cung ứng dịch vụ trạm sạc tại các cửa hàng xăng dầu của đơn vị này. Tuy nhiên, ông Tâm đánh giá doanh nghiệp vẫn sẽ gặp bất lợi do tiêu thụ xăng dầu thu hẹp theo xu hướng chuyển đổi sang các phương tiện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba, cổ phiếu của các doanh nghiêp cung ứng, kinh doanh điện. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh theo xu hướng chuyển đổi xe điện trong khi nguồn cung tăng trưởng chậm hơn có thể kéo theo diễn biến đi lên của giá điện. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng khả quan cho cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp cung ứng điện (Ví dụ: POW, PGV, NT2, GEG,…) khi giá điện hợp đồng và giá điện trên thị trường cạnh tranh có thể điều chỉnh tăng.