Một quốc gia ngập trong rác nhựa: Góc khuất phía sau chiến dịch "tẩy xanh" của những gã khổng lồ tiêu dùng

Linh Anh | 17:24 11/09/2022

Bất chấp những hậu quả nghiêm trọng với môi trường, con người đang sản xuất nhựa nhiều hơn bao giờ hết, khoảng 500 triệu tấn đồ nhựa mỗi năm và có thể lên tới 1.000 tấn vào năm 2040. Lý do là nhựa rẻ và hữu ích cùng với hy vọng tái chế đang được truyền bá khắp nơi.

Một quốc gia ngập trong rác nhựa: Góc khuất phía sau chiến dịch "tẩy xanh" của những gã khổng lồ tiêu dùng

Agnes Kwansah kéo lê chiếc bao tải nặng qua bãi xe đầy bụi. Bên trong đó là đủ các loại rác nhựa. Cô đi đến một trạm thu mua phế liệu. Đây là thành quả gom góp của Kwansah trong suốt cả tháng trước ở Swedru, một thị trấn nằm cách Accra, thủ đô Ghana, khoảng 80km về phía tây.

Tìm phế liệu từ nhựa ở đây rất đơn giản. Ô nhiễm nhựa là một thảm họa trên khắp châu Phi và Ghana là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, giờ đây Ghana đang được ca ngợi như một câu chuyện thành công với nỗ lực làm sạch do các doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu thế giới tài trợ. Được gọi là Sáng kiến Tái chế Ghana của các doanh nghiệp tư nhân (GRIPE), liên minh gồm 7 doanh nghiệp quốc tế tài trợ để thu gom rác thải ở quốc gia châu Phi này và nhận về vô số lời khen.

Tuy nhiên, hoạt động tái chế ở Ghana, thực chất chỉ là thu gom rác nhựa. Nó chẳng đáng kể gì so với hoạt động của 7 gã khổng lồ tiêu dùng này, với doanh thu lên tới 340 tỷ USD trên toàn cầu. Chính các doanh nghiệp này cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những núi rác thải nhựa đang nhấn chìm những quốc gia nghèo khó ở Tây Phi, tàn phá hệ động thực vật và gây ô nhiễm không khí khi rác nhựa bị đốt tràn lan.

Bất chấp những lời kêu gọi nhằm hạn chế độ nhựa, thế giới chưa bao giờ sản xuất nhiều nhựa hơn lúc này, với khoảng 500 triệu tấn/năm. Các chuyên gia dự đoán, con số này sẽ tăng dần đều và đạt 1.000 triệu tấn vào năm 2040. Nhựa rẻ và hữu ích là điều không còn gì bàn cãi. Yếu tố khác khiến nhựa tiếp tục được ưa chuộng chính là thành công của các doanh nghiệp tiêu dùng trong việc thuyết phục công chúng rằng nhựa không có lỗi mà lỗi là ở người dùng.

Kwansah, 47 tuổi, đứng nhìn 2 người đàn ông đưa bao rác nhựa của cô lên cân. Tổng số rác nhựa cô thu thập được là 220kg nhưng số tiền cô nhận lại cũng không đáng kể. Người phụ nữ cho biết cô hy vọng những người phụ trách sẽ làm điều đúng đắn với những chiếc chai nhựa mà cô đã bán cho họ.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Bloomberg cho thấy những người phụ trách GRIPE đã không làm được gì nhiều để giải quyết cuộc khủng hoảng rác nhựa của Ghana. Thay vào đó, họ có ý định đá quả bóng trách nhiệm cho người khác: Những khách hàng của họ.

Gần trạm cân ở Swedri có một tấm áp phích cho thấy linh vật hoạt hình của GRIPE, dì Litta, đang thể hiện động tác khuyên nhủ với đôi tay đeo găng. Bà ấy thường dành nhiều thời gian để trách mắng người dân Ghana về những thói quen của họ. "Đừng như con chim Borla" là lời khuyên mà chiến dịch này hay nói. Chim Borla là loài chim sống trong các bãi rác ở quốc gia này.

Ngay sau khi Kwansah rời đi với những đồng tiền kiếm được, Louisa Kabobah, người quản lý của GRIPE, đã có một bài phát hiểu để thể hiện quan điểm. Bà ta nói rằng: "Bản thân nhựa không phải vấn đề. Vấn đề là những người sử dụng chúng".

Yêu hay ghét, nhựa vẫn là vấn đề sinh tử tại Ghana, quốc gia 32 triệu dân với ¼ trong số đó sống trong cảnh nghèo khó. Rất đông người dân ở đây không thể nấu ăn bằng nước sạch. Ở mỗi lề đường tại thủ đô Accra, người ta đều dễ dàng bắt gặp những thùng chứa bị vứt bỏ. Trên các bãi biển của thành phố, những đống rác nhựa nằm che phủ cả mặt cát. Các khu ổ chuột dùng nhựa làm mái che trong khi trẻ em dùng nhựa làm những con diều.

Các cống rãnh ở Accra nghẹt trong rác, đặc biệt là chai nhựa trong mỗi mùa mưa lũ. Năm 2015, một trận lũ lụt đã khiến 200 người chết tại thủ đô Ghana, hầu hết đang trú trong một cây xăng khi hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, báo cáo chính thức của Chính phủ xác định hệ thống thoát nước két với rác nhựa bịt kín các miệng cống góp phần khiến thảm họa trở nên tồi tệ. Sau đó, đã có những lời kêu gọi cấm sử dụng nhựa ở đây.

Các công ty tiêu dùng lớn nhât trong khu vực đã tổ chức các cuộc họp dưới sự điều hành của Hiệp hội công nghiệp Ghana, một tổ chức thương mại hàng đầu, nhằm tìm ra các giải pháp của riêng họ. Những gì nổi lên là GRIPE với nhiệm vụ thực hiện tái chế rác thải nhựa và hạn chế ảnh hưởng của chúng tới môi trường.

Đầu tiên, GRIPE khuyến khích sử dụng nhựa đã qua sử dụng làm vật liệu xây nhà, làm nhà vệ sinh và xây dựng chuỗi cung ứng để người Ghana có thể bán rác thải nhựa cho bên tái chế. Họ cũng ca ngợi những lợi ích của nhựa như nhẹ, dễ tạo hình, bền và giá cả phải chăng.

Và GRIPE đã sớm chúng minh hiệu quả, ít nhất là cho các doanh nghiệp đằng sau nó. Thậm chí, họ còn nhận được sự ủng hộ từ bà Penny Mordaunt, khi đó là đang phụ trách các vấn đề về phát triển quốc tế, của Vương quốc Anh. Sau sự vận động hành lang của các doanh nghiệp phía sau, bà Mordaunt đã xướng tên GRIPE và những người đằng sau nó trong một sự kiện vào tháng 3/2019 ở Westminster, Anh. Ngay sau đó, GRIPE đã công bố chiến dịch quảng bá hào nhoáng tiếp theo, bao gồm các bộ phim hoạt hình có sự tham gia của dì Litta và một tài khoản Twitter.

Tuy nhiên, sản lượng tái chế thực sự ở Ghana vẫn ở mức thấp. Theo một báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu, chỉ có 0,1% nhựa được tái chế ở Ghana. Tác giả của báo cáo cũng lưu ý rằng GRIPE chỉ có sự hiện diện "tích cực trên truyền thông" nhưng đến nay ít có kết quả mà có khả năng tạo ra những thay đổi bước ngoặt. Các hoạt động của GRIPE được điều phối bởi các nhân viên của Hiệp hội Công nghiệp Ghana.

Cordie Aziz, một nhà hoạt động người Mỹ, đã tới Ghana khi biết về chương trình này. Tuy nhiên, GRIPE khiến cô vỡ mộng khi không thực hiện được cam kết. Theo Aziz, tổ chức của cô đã không còn làm việc nhiều với các doanh nghiệp tư nhân vì lo ngại họ chỉ tìm cách "tẩy xanh", gắn mác hoạt động thân thiện với môi trường nhưng thực tế là ngược lại hoặc có tác dụng ở mức tối thiểu.

Ngay từ đầu, mục tiêu cốt lõi của GRIPE là xóa đói giảm nghèo bằng cách đảm bảo thu nhập cho những lao động phi chính thức, chẳng hạn như Kwansah, để thúc đẩy họ thu gom rác nhựa. Người tìm kiếm nhựa tái chế phần nhiều là phụ nữ lớn tuổi, dành 8 giờ mỗi ngày để lục lọi ở các bãi rác bẩn thỉu. Ở các thành phố, trẻ em cũng bới rác lấy phế liệu. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng GRIPE không hiệu quả trong việc chống lại đói nghèo cũng như thúc đẩy tái chế.

Một người đứng đầu bộ phận quản lý rác thải đô thị ở vùng Accra cho biết số tiền rất ít ỏi mà những người gom rác nhận được chẳng thể mang lại sự khích lệ nào đáng kể. Thậm chí, có những người nói rằng bất kỳ dịch vụ nào dựa vào những người nghèo nhất của xã hội mà không trả cho họ thỏa đáng chính là bóc lột. Một người nhặt rác có thể vất vả cả tháng để đổi về số tiền 40 USD, vốn chẳng đủ để trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, dì Litte luôn rao giảng một thống điệp khác. Quảng cáo của GRIPE hứa hẹn "rất nhiều tiền" cho những người thu thập vỏ chai. Một quảng cáo khác gọi nhựa phế thải là "kho báu". Tuy nhiên, bản thân GRIPE không phải người mua. Tiền cho những người nhặt rác tới từ các đối tác tái chế của nó.

Để đánh giá hiệu quả của GRIPE, phóng viên Bloomberg đã dành vài tháng để điều tra hoạt động tái chế. Thử thách đầu tiên là xác định vị trí của các điểm thu gom nhựa tái chế. Năm 2020, GRIPE cắt băng khánh thành một trung tâm thu gom tại Jamestown, Accra, nơi người dân có thể mang nhựa, giấy, sắt vụn và thủy tinh thu gom được tới để bán. Nhưng chẳng ai đến trung tâm này gần đây, thậm chí họ còn chưa nghe về nó.

Cuối cùng, một người đàn ông nói biết vị trí. Ông dẫn phóng viên đi qua các khu ổ chuột trên bờ biển, các chợ và các lán xơ xác. Bước qua khu đốt rác với những đống đen đặc cùng mùi khét của nhựa bị đốt, người đàn ông dừng lại ở một nhà kho nhỏ có logo GRIPE đã mờ. Nó bị bỏ hoang trong nhiều tháng.

Cư dân của các khu ổ chuột vẫn thu thập chai nhựa và bán cho các thương nhân Trung Quốc, những người đánh xe tải đến để thu mua định kỳ. Khi mùa mưa đến, người dân gọi đó là mùa nhựa vì tất cả rác thải trôi ra bãi biển và việc thu gom thuận tiện hơn. Bằng chứng là một đầm phá gần đó, nơi chứa đầy những thứ giống như con sứa nhiều màu sắc nhưng thực tế là túi nhựa và các loại bao bì khác.

Sáng kiến phổ biến nhất của GRIPE chỉ là những thùng rác đựng vật liệu tái chế màu xanh lam, dễ dàng bắt gặp tại những trạm xăng của Total ở xung quanh Accra, cho phép người dân vứt rác thuận tiện hơn. Nhựa đựng trong những thùng này là những chai nước ngọt, còn được gọi là PET, tương đối dễ tái chế và có giá cao ở châu Âu.

Vào tháng 12/2021, Bloomberg đã đặt các thiết bị theo dõi điện tử vào hai chiếc chai mà họ vứt vào những thùng rác này. Chúng không di chuyển trong nhiều tuần. Vào cuối tháng Giêng, một chiếc được di chuyển bằng đường bộ sau đó biến mất. Chiếc còn lại vẫn nằm im ở đó. Vào tháng 3, phóng viên đã tới chỗ vứt rác và phát hiện chiếc thùng rác đựng đồ tái chế đã bị tràn. Nó nằm giữa các thùng phuy dầu. Cái chai chứa thiết bị theo dõi vẫn nằm bên trong đó.

Trao đổi qua điện thoại, Prince Agbata, một giám đốc của công ty tái chế, được cho là quản lý các thùng rác này, cho biết họ gặp "những thách thức về mặt tài trợ". GRIPE đã không đưa ra bất cứ khuyến nghị tài chính nào cho việc thu thập những chiếc vỏ chai. Nguồn vốn của họ đang cạn kiệt. Agbata cũng cho biết không có cơ sở nào ở Ghana có khả năng tái chế PET thành chai mới, vì thế, chúng rất khó bán ở địa phương. Hầu hết chúng được xuất khẩu sang châu Âu. Phần còn lại là biến những chiếc chai này trở thành thứ không còn được dùng để sản xuất chai nhựa nữa.

Vận chuyển những chiếc vỏ chai tới châu Âu để tái chế không còn là giải pháp lý tưởng vì nó tốn kém thời gian, tiền bạc và để lại lượng khí thải carbon lớn. Clement Ugorji, phó chủ tịch Coca-Cola phụ trách các vấn đề công, cũng cho biết: "Xuất khẩu rác thải nhựa khỏi châu Phi không phải hướng đi bền vững. Chúng tôi cần năng lực tái chế ngay chính tại lục địa này". Tuy nhiên, xây dựng các cơ sở tái chế không hề rẻ, một khoản đầu tư mà các đối tác GRIPE cho đến nay đều tỏ ra không muốn thực hiện.

Ngoài ra, việc tái chế nhựa, thường đòi hỏi năng lực thu gom, xử lý và tái chế lại khiến thành phẩm có giá cao hơn các loại được làm từ nhựa nguyên sinh.

Thực tế, hoạt động tái chế ở Ghana chủ yếu biến chai nhựa thành sợi để may quần áo hoặc làm tóc giả. Quá trình này được gọi là tái chế hạ cấp (downcycling), trong đó nó chỉ xảy ra một lần. Các sản phẩm may mặc hoặc tóc giả cuối cùng vẫn có khả năng bị vứt vào bãi rác và vòng tuần hoàn tái chế bị phá vỡ.

Các thương nhân Trung Quốc thống trị thị trường từ chai tới sợi tái chế ở Ghana mặc dù có ít sự giám sát về những gì xảy ra bên trong các cơ sở của họ, chủ yếu tập trung quanh các cảng lớn nhất. Và họ không nằm trong GRIPE.

Tham khảo: Bloomberg


(0) Bình luận
Một quốc gia ngập trong rác nhựa: Góc khuất phía sau chiến dịch "tẩy xanh" của những gã khổng lồ tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO