Tờ New York Times cho biết hiện TSMC sản xuất hầu hết các chip silicon công nghệ cao nhất thế giới. Dòng chíp có kích thước chỉ bằng móng tay nhưng trên đó được nhúng hàng tỷ bóng bán dẫn siêu nhỏ. Những con chip tốt nhất hiện đều được sản xuất bởi TSMC. New York Times đánh giá, đây có thể là công ty quan trọng nhất mà hầu hết mọi người Mỹ chưa bao giờ nghe đến.
Trên thực tế, TSMC cũng là công ty có giá trị nhất ở châu Á và là một trong hàng chục công ty có giá trị nhất trên thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 400 tỷ USD.
Dù có vốn hoá lớn như vậy nhưng TSMC không phải là một cái tên quen thuộc vì họ không bán sản phẩm của mình trực tiếp cho người tiêu dùng. Để hiểu về sức mạnh thương mại của công ty có thể nhìn vào điểm này: Các vi mạch mà họ sản xuất cho Apple là cốt lõi của mọi chiếc iPhone được bán ra.
Dù là chiếc IPhone 13 mini hay các mẫu iPhone 14 mới được ra mắt đều được xây dựng dựa trên các chip do Apple thiết kế ở California và được sản xuất bởi TSMC.
Một bài báo trước của New York Times từng nói: “Loại chất bán dẫn sản xuất hàng loạt tiên tiến nhất - được sử dụng trong điện thoại thông minh, công nghệ quân sự và nhiều lĩnh vực hơn nữa - được gọi là 5 nm. Một công ty duy nhất được gọi là TSMC, tạo ra khoảng 90% trong số đó". (Các cấu trúc được khắc trên các vi mạch này rất nhỏ. “Nm” là viết tắt của nanomet).
Chris Miller, giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, mô tả một cách hùng hồn các vi mạch xuất phát từ TSMC trong cuốn sách sắp xuất bản của ông, “Chiến tranh chip: Cuộc chiến cho công nghệ quan trọng nhất thế giới”. Ông chỉ ra rằng virus gây ra đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan khắp hành tinh vào năm 2020 chỉ có đường kính khoảng 100 nanomet. Cùng năm đó, TSMC đã khắc những hình dạng nhỏ hơn một nửa kích thước đó lên hàng triệu chip cho Apple.
Quay trở lại thế kỷ 20, khi mọi người nghe các trận đấu bóng trên thiết bị radio. Thì bây giờ, mọi người sẽ xem chúng trên điện thoại và iPad, một phần là nhờ bộ xử lý Apple A15 bên trong các thiết bị đó, chứa 16 tỷ bóng bán dẫn, tất cả đều được làm bởi TSMC.
Hơn thế nữa, các hệ thống vũ khí hiện đại của tất cả các mô tả và cơ sở hạ tầng viễn thông của thế giới, cùng với các ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo, phương tiện tự lái và hơn thế nữa đều phụ thuộc vào những con chip cực kỳ phức tạp này.
Thị phần sản xuất bán dẫn và chip của TSMC dẫn đầu toàn cầu trong nhiều năm, với con số luôn dao động từ 48 – 51%. Điều này đồng nghĩa TSMC là nhà cung ứng quan trọng hàng đầu của các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple, ARM, Broadcom...
Năm 2017, giá trị thị trường của TSMC lần đầu chạm mức 168 tỷ USD, vượt qua gã khổng lồ Mỹ là Intel (có giá trị lúc đó khoảng 166 tỷ USD). Doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng tăng trưởng liên tục từ năm 1994 tới nay. Trong đó trong năm tài chính gần nhất, TSMC đạt doanh thu 1.587 tỷ TWD (tương đương khoảng 57 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước), còn lợi nhuận cũng ở mức 597 tỷ TWD (khoảng 21 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùngg kỳ).
Tới hết quý 2 năm nay, công ty thông báo mức lợi nhuận sau thuế tăng kỷ lục tới 76,4% so với thời điểm này năm ngoái, cho thấy sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của TSMC. Kết thúc năm 2021, TSMC được Fortune xếp hạng 225 trong bảng Global 500 của họ, với giá trị thị trường rơi vào khoảng 426 tỷ USD.
Phần lớn doanh thu của TSMC tới từ khu vực Bắc Mỹ (chiếm 64% doanh thu năm 2021), trong khi đó các khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12% - 15% doanh thu năm gần nhất của công ty. TSMC cũng dần mở rộng hoạt động của mình sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và có thể là tại Đức.
Tầm nhìn cách đây hơn 30 năm
Trên thực tế, thành công của TSMC ngày nay dựa trên tầm nhìn rất lớn của Morris Chang, nhà sáng lập nên công ty này vào năm 1987. Trong bối cảnh gia công xuất khẩu may mặc vẫn đang chớm nở thì nhà sáng lập này đã cho rằng trong tương lai, thuê ngoài sản xuất chip điện tử sẽ trở thành tâm điểm quan trọng.
Khi mới được thành lập, những ông lớn trong ngành như Intel hay Texas Instruments đều tự thiết kế, sản xuất, quảng cáo cho chip của họ. Thế rồi mọi người nhận ra với việc thuê ngoài cho các công ty như TSMC, họ có thể dồn nguồn lực cho nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm.
Hãng AMD đã bán mảng sản xuất chip cho TSMC và trở thành khách hàng lớn nhất của công ty này, để rồi liên tiếp nhiều tập đoàn cũng nối gót và nghiễm nhiên đưa nhà sản xuất chip này thành ông lớn trong ngành.
Giáo sư David Yoffie của Harvard Business School, đồng thời là cựu thành viên ban giám đốc Intel nhấn mạnh mỗi bước đi của TSMC đều được tính toán kỹ như chơi cờ vậy. Ảnh hưởng của mỗi thương vụ đều chỉ rất nhỏ và đến khi sức mạnh thật sự của TSMC bộc phát thì đã quá muộn để thay đổi tàn cuộc.
Xin được nhấn mạnh rằng TSMC đã liên tục tăng gấp đôi đầu tư (R&D) kể cả trong thời kỳ khủng hoảng trong khi các hãng khác lại giảm mạnh để tiết kiệm chi phí. Nhà sáng lập Chang đã tăng chi tiêu đầu tư của TSMC thêm 42%, đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2009 khi thế giới đang bàng hoàng trước cuộc khủng hoảng 2008. Phần lớn số tiền được nhắm đến mở rộng năng suất chip cho điện thoại thông minh (smartphone).
Thế rồi quả ngọt đến vào năm 2013 khi TSMC trở thành hãng sản xuất chip chính cho iPhone của Apple. Trước đó đối thủ Samsung mới là người sản xuất chính cho nhà táo khuyết.
Để giành được hợp đồng, TSMC đã chi tới 9 tỷ USD cùng 6.000 nhân công làm việc liên tục, qua đó xây nhà máy đạt tiêu chuẩn của Apple trong thời gian kỷ lục 11 tháng.
Năm 2014, hãng đã buộc đội ngũ nghiên cứu 400 kỹ sư phải làm việc liên tục 3 ca mỗi ngày để cho ra đời mẫu chip mới.
Nguồn: New York Times