Nhiệt độ trung bình của vùng tây bắc và trung tâm Ấn Độ trong tháng 4 vừa rồi đã đạt mức cao nhất kể từ 122 năm trước, dao động từ 35.9 cho tới 37.38 độ C.
Mùa màng bị phá huỷ
Thủ đô New Delhi đã trải qua 7 ngày liên tiếp với mức nhiệt vượt trên 40 độ C, tăng 3 độ so với mức trung bình.
Sự nóng lên đột ngột này đã khiến một số bang phải đóng cửa trường học, mùa màng bị ảnh hưởng nặng nề cũng như đặt áp lực lên việc duy trì nguồn cung cấp năng lượng. Chính phủ đã đưa ra lời cảnh báo rằng người dân nên ở trong nhà và tránh để cơ thể mất nước.
Đợt nóng này cũng ảnh hưởng tới đất nước láng giềng Pakistan, nơi mà thành phố Jacobabad và Sibi (thuộc phía nam tỉnh Sindh) lên tới 47 độ C.
Chuyên gia khí hậu tại Pakistan cho rằng đất nước này đang trải qua một năm “không có mùa xuân”. Sự gia tăng nhiệt lượng này sẽ còn gây ra nhiều đợt nóng kỷ lục và ảnh hưởng tới hàng tỷ người dân của hai nước, trong đó Ấn Độ có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những đợt nóng tại Ấn Độ thường tới trong tháng 5 và 6, nhưng năm nay nhiệt độ đã bắt đầu tăng cao kể từ tháng 3. Giám đốc bộ nông nghiệp ở Punjab, ông Gurvinder Singh nói rằng sự gia tăng nhiệt độ này đã khiến năng suất thu hoạch của các cánh đồng lúa giảm đi 5 tấn/ha so với hàng năm. Những người dân lao động ngoài trời, nông dân và công nhân xây dựng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi công việc của họ phải đối mặt trực tiếp với cái nóng.
Trường học đóng cửa và khó khăn trong việc duy trì nguồn điện
Ở một vài vùng của Ấn độ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã dẫn tới sự thiếu hụt về khí đốt. Hàng nghìn hộ gia đình đã bị cắt điện 9 tiếng đồng hồ trong ngày. Ấn Độ đã phải huỷ hơn 650 lượt khách tàu hoả để duy trì các chuyến tàu chở hàng trong tháng 5 tới.
Trường học phải đóng cửa vì nắng nóng. Quyết định đóng cửa là biện pháp an toàn cho sức khoẻ của học sinh khi nhiệt độ vượt quá 37 độ C trong nhiều ngày qua. Rất nhiều học sinh đã gặp phải tình trạng chảy máu cam vì chúng không thể chịu được sức nóng.
Chính phủ Ấn Độ sẽ phải chuẩn bị kỹ càng hơn cho những đợt nắng nóng sắp tới khi kế hoạch ứng phó còn nhiều lỗ hổng. Đợt nóng này được cho là đang thử thách giới hạn của con người.