Mở cửa đường bay quốc tế, hãng hàng không nào sẽ "thống lĩnh" bầu trời hậu Covid?

Trịnh Hà | 23:21 15/02/2022

Trước thông tin mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế, các hãng hàng không đều đang rốt ráo chuẩn bị "cất cánh" với lợi nhuận của các hãng cũng dự báo sẽ sớm được phục hồi.

Mở cửa đường bay quốc tế, hãng hàng không nào sẽ "thống lĩnh" bầu trời hậu Covid?
Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế từ ngày 15/2.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi

Một thông tin vui đến với ngành hàng không khi Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 sau gần 2 năm đóng cửa.

Với tín hiệu tích cực này, nhà đầu tư càng thêm chờ đợi vào sự phục hồi của hàng không Việt Nam trong thời gian tới. 

Các nhà phân tích đều cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của vận tải hàng không đã qua đi, Chính phủ và người dân đều đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Nhờ động lực từ chính sách kích cầu nội địa, thị trường trong nước sẽ là động lực tăng trưởng chính, trong khi vận tải quốc tế dù được mở cửa nhưng vẫn sẽ phục hồi chậm hơn khi cần duy trì các biện pháp hạn chế ở mức độ hợp lý. 

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), vận tải quốc tế có thể phục hồi ổn định từ quý 3/2022 khi các thị trường chính của Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Trước dịch Covid-19, hai thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc có tỷ lệ tiêm chủng cao (lần lượt là 96,4% và 73%). Khi Trung Quốc và Hàn Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi mạnh.

Riêng với Trung Quốc, dù đang theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” nhưng có khả năng sẽ nới lỏng một phần hạn chế khi chào đón các nước tham dự Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh. 

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, BVSC cho rằng thị trường hàng không chỉ có thể hồi phục lại mức như trước năm 2019 vào năm 2024 (~107,3% năm 2019). 

anh-chup-man-hinh-2022-02-15-luc-22.03.04.png
Nguồn: BVSC

Trước đó, thị trường quốc tế thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp hàng không.

Như Vietnam Airlines (HVN) có tới 65% doanh thu đến từ thị trường quốc tế, trong khi con số này ở Vietjet Air (VJC) là hơn 50%.

Các sân bay và các doanh nghiệp dịch vụ cũng có cơ cấu doanh thu tương tự. 

Hiện tại, việc mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế vào ngày 15/2 là sớm hơn nhiều so với dự kiến, theo đó, lợi nhuận các doanh nghiệp hàng không sẽ sáng sủa hơn ngay từ cuối quý 1/2022. 

Hãng hàng không nào sẽ nhanh chóng phục hồi?

Theo đánh giá và nghiên cứu của CDB Aviation, các hãng hàng không sẽ có sự hồi phục tốt sau đại dịch sẽ là các hãng hàng không giá rẻ với: Đội bay trẻ, tiết kiệm nhiên liệu; Vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế chặng ngắn.

Ngoài ra, do dịch bệnh ảnh hưởng đến khả năng kinh tế, khiến số lượng hành khách du lịch - những người thích các hãng hàng không giá rẻ và cực rẻ - dự kiến sẽ phục hồi và tăng nhanh hơn so với đối tượng là doanh nhân không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. 

Theo phân tích của BVSC, với mô hình giá rẻ, VJC không chỉ cắt giảm chi phí một cách dễ dàng hơn so với HVN, mà còn có tỷ lệ nợ/tổng tài sản luôn duy trì lành mạnh ở mức 0,66-0,76 trong suốt giai đoạn đại dịch nhờ phần lớn tài sản được đi thuê, điều này tạo dư địa để VJC để tăng khả năng tín dụng nhằm tài trợ cho việc mở rộng đội bay khi các đường bay quốc tế được nối trở lại.

VJC có kế hoạch nhận máy bay trong giai đoạn từ 2021-2023 lần lượt là 8/11/25, do đó VJC có thể nắm bắt được sự hồi phục của ngành hàng không giai đoạn hậu đại dịch. 

Trong khi đó, HVN đã phải tăng thêm 8.000 tỷ vốn bổ sung để tránh âm vốn chủ, nhưng tổng công nợ vẫn chiếm đến 98% tổng tài sản, điều này sẽ cản trở việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Không chỉ vậy, HVN còn đang thực hiện bán 11 máy bay do khó khăn về tài chính. Điều này tuy sẽ giúp giải quyết vấn đề khó khăn trong ngắn hạn, nhưng ảnh hưởng đến năng lực khai thác trong dài hạn khi làm giảm quy mô đội bay, gián tiếp ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của HVN khi ngành hàng không hồi phục. 

Còn hãng hàng không Bamboo Airways, tuy mới bắt đầu gia nhập thị trường từ giai đoạn năm 2019 nhưng đã nhanh chóng mở rộng đội bay và chiếm đến 20% thị phần tại Việt Nam. Tuy nhiên đại dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của hãng hàng không mới này.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã từ chối đề xuất mở rộng của các hãng hàng không mới. Cụ thể vào tháng 8/2021, Cục Hàng không đã từ chối kế hoạch tăng đội bay từ 22 lên 100 máy bay trong giai đoạn 2023-2028 của Bamboo Airways và sẽ chỉ xem xét lại kế hoạch này khi thị trường vận tải hàng không quay trở về mức trước dịch. 

Do đó, BVSC cho rằng cạnh tranh có lẽ sẽ bớt gay gắt hơn trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Theo đó, thị phần của Bamboo Airways có thể ổn định trong khoảng 25%, phần còn lại vẫn sẽ là sự cạnh tranh của hai đối thủ chính là VJC và HVN. 

anh-chup-man-hinh-2022-02-15-luc-22.02.13.png
Nguồn: BVSC

Ở một diễn biến khác, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đang trong quá trình chờ đợi hãng hàng không IPP Air Cargo được cấp phép. Đây là dự án về một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Dự án có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Hiện Cục Hàng không vừa tổ chức thẩm định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, nếu được chấp thuận, dự án sẽ tiếp tục được trình Thủ tướng phê duyệt cuối cùng. 

Bầu trời được mở sẽ còn nhộn nhịp hơn với tần suất các chuyến bay gia tăng và tương lai của các tên tuổi mới.

Dù đại dịch Covid-19 đã khiến sức khỏe của các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nặng nề song với tính chất quan trọng trong hoạt động vận tải, dự báo hàng không sẽ có những bước nhảy mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2022 - 2024. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mở cửa đường bay quốc tế, hãng hàng không nào sẽ "thống lĩnh" bầu trời hậu Covid?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO