Mark Zuckerberg sắp đưa ra 1 thay đổi mang tính lịch sử: Mô hình độc quyền hoàn toàn mới có thể giúp Meta xưng vương

Vũ Anh | 10:29 15/07/2025

Nếu được thực hiện, đây sẽ là sự thay đổi sâu sắc không chỉ đối với Meta mà còn với toàn bộ cộng đồng AI.

Mark Zuckerberg sắp đưa ra 1 thay đổi mang tính lịch sử: Mô hình độc quyền hoàn toàn mới có thể giúp Meta xưng vương

Meta – công ty mẹ Facebook, Instagram và WhatsApp – đang đứng trước một bước ngoặt mang tính chiến lược trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo The New York Times, phòng thí nghiệm mới thành lập mang tên “Meta Superintelligence Lab” (MSL) đang thảo luận nội bộ về khả năng từ bỏ triết lý mã nguồn mở (open-source) – vốn là kim chỉ nam trong các thế hệ AI trước như LLaMA – để chuyển sang phát triển một mô hình đóng hoàn toàn (closed-source). 

Nếu được thực hiện, đây sẽ là sự thay đổi sâu sắc không chỉ đối với Meta mà còn với toàn bộ cộng đồng AI vốn đã quen với một Meta mở, chia sẻ và hợp tác. Việc chuyển từ mô hình open-source sang closed-source không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật hay quản trị rủi ro. Nó phản ánh một loạt thay đổi quan điểm trong nội bộ Meta kể từ khi công ty bước vào giai đoạn chạy đua siêu trí tuệ nhân tạo – hay còn gọi là “superintelligence”. 

Trong nhiều năm qua, Meta nổi tiếng nhờ chiến lược chia sẻ mã nguồn mở. Các phiên bản LLaMA được tung ra cho cộng đồng đã giúp hàng nghìn nhóm nghiên cứu, startup và kỹ sư độc lập tiếp cận dễ dàng với công nghệ ngôn ngữ tự nhiên. Điều này vừa tạo ra hệ sinh thái mạnh mẽ, vừa đóng vai trò định hình vị thế đạo đức của Meta như một công ty “không giữ riêng công nghệ vì lợi ích độc quyền”. 

Thế nhưng, sau khi thành lập MSL với sự dẫn dắt của Alexandr Wang – người sáng lập Scale AI 28 tuổi được Mark Zuckerberg đích thân chiêu mộ - triết lý đó đang lung lay. Theo New York Times, lãnh đạo MSL nhận thấy rằng mô hình Behemoth – một phiên bản AI mã nguồn mở khổng lồ đang trong quá trình phát triển – chưa đạt được chất lượng như kỳ vọng. Việc duy trì mô hình mở vừa tiềm ẩn rủi ro bảo mật, vừa làm giảm tính kiểm soát với tài sản trí tuệ – điều rất nhạy cảm trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. 

Đặc biệt, khi OpenAI, Google DeepMind và Anthropic đều chọn hướng phát triển các mô hình đóng, Meta có thể cảm thấy áp lực. Bài toán lớn nhất đặt ra lúc này là liệu tập đoàn có thể duy trì tốc độ phát triển hàng đầu hay không nếu vẫn đi theo mô hình chia sẻ mã nguồn, hay chấp nhận tạm gác lại để theo kịp cuộc đua siêu AI đầy khốc liệt? 

Trong khi cộng đồng lập trình viên vẫn đang kỳ vọng vào các phiên bản kế thừa từ LLaMA, nội bộ Meta lại bàn về kế hoạch khai tử để phát triển một mô hình độc quyền hoàn toàn mới. Một trong những động lực khiến Meta muốn theo đuổi mô hình đóng chính là khả năng tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Trong mô hình mở, ngay khi sản phẩm ra đời, mọi bên đều có thể khai thác, làm lại, hoặc thậm chí tạo phiên bản thương mại hóa riêng. Trong khi đó, một mô hình đóng như GPT-4 hay Claude của Anthropic đảm bảo kiểm soát đầu ra, giúp công ty chủ quản tối ưu doanh thu, quản lý rủi ro pháp lý và kiểm duyệt nội dung hiệu quả.

screenshot-2025-07-15-at-10.10.06.png

Dĩ nhiên, quyết định này nếu được thực hiện sẽ không tránh khỏi tranh cãi gay gắt. Những người đã và đang xây dựng trên nền tảng Behemoth hoặc LLaMA có thể cảm thấy bị phản bội. Triết lý “AI vì nhân loại”, được nhiều kỹ sư trong giới khởi nghiệp xem như kim chỉ nam, có thể bị coi là sụp đổ nếu Meta trở thành một công ty tư bản AI khép kín như bao ông lớn khác. 

Tuy nhiên, từ góc độ kinh doanh, sự thay đổi này có lý lẽ riêng của nó. Trong vòng hai năm qua, Mark Zuckerberg đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào AI – từ chip xử lý, siêu máy tính đến nhân sự cao cấp. Tốc độ tuyển dụng kỹ sư AI tại Meta diễn ra chóng mặt, với mức lương lên tới hàng triệu USD mỗi người. Họ không đầu tư như vậy chỉ để cung cấp công nghệ miễn phí cho phần còn lại của thế giới. 

Một AI đóng, được thiết kế và kiểm soát chặt chẽ, sẽ phục vụ tốt hơn cho hệ sinh thái này. Tuy nhiên, Meta hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Trong một phát ngôn gửi đến giới truyền thông, công ty cho biết vẫn đang phát triển cả mô hình mã nguồn mở và mô hình đóng. 

Dù vậy, các tín hiệu rõ ràng đã xuất hiện. Việc lập ra MSL, bổ nhiệm Alexandr Wang và đẩy nhanh nghiên cứu superintelligence cho thấy Meta đã bước sang một giai đoạn mới. Họ không chỉ muốn theo kịp các đối thủ trong cuộc đua AI tổng quát, mà muốn vươn lên dẫn đầu bằng một nền tảng vượt trội cả về công nghệ lẫn tầm nhìn. 

Meta đang ở giữa ngã ba đường. Lựa chọn mà họ thực hiện trong vài tháng tới sẽ không chỉ định hình tương lai AI mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách ngành công nghiệp nhìn nhận về vai trò của các tập đoàn công nghệ trong việc kiểm soát tri thức nhân loại. Nếu chọn đóng mô hình AI lại, Meta có thể đạt được tốc độ và sự kiểm soát – song phải chấp nhận mất một phần sự yêu thích từ cộng đồng. 

Theo: The New York Times, WSJ


(0) Bình luận
Mark Zuckerberg sắp đưa ra 1 thay đổi mang tính lịch sử: Mô hình độc quyền hoàn toàn mới có thể giúp Meta xưng vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO