Starbucks yêu cầu nhân viên tới văn phòng ít nhất 4 ngày/tuần, quản lý phải chuyển đến sống gần trụ sở: 16.000 người dở khóc dở cười

Vũ Anh | 09:41 15/07/2025

Quyết định không chỉ cho thấy sự thay đổi lớn trong chiến lược nhân sự của Starbucks mà còn phản ánh xu hướng đang diễn ra tại nhiều tập đoàn lớn sau đại dịch COVID-19.

Starbucks yêu cầu nhân viên tới văn phòng ít nhất 4 ngày/tuần, quản lý phải chuyển đến sống gần trụ sở: 16.000 người dở khóc dở cười

Starbucks – thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới – mới đây khiến cả giới văn phòng Mỹ xôn xao khi gửi tối hậu thư đến hàng nghìn nhân viên văn phòng: hoặc quay trở lại làm việc tại văn phòng ít nhất 4 ngày/tuần, hoặc chấp nhận rời đi với một khoản tiền bồi hoàn. Quyết định không chỉ cho thấy sự thay đổi lớn trong chiến lược nhân sự của Starbucks mà còn phản ánh xu hướng đang diễn ra tại nhiều tập đoàn lớn sau đại dịch COVID-19.

Với khoảng 16.000 nhân viên văn phòng trên toàn cầu, phần lớn làm việc tại trụ sở chính ở Seattle và văn phòng khu vực Toronto, Starbucks đang bước vào một giai đoạn mới dưới sự dẫn dắt của CEO Brian Niccol. Chính sách mới yêu cầu toàn bộ nhân viên văn phòng làm việc tại trụ sở ít nhất bốn ngày mỗi tuần, thay vì ba như hiện tại, đồng thời yêu cầu các vị trí quản lý – đặc biệt là người đứng đầu nhóm – phải chuyển đến sống gần trụ sở trong vòng 12 tháng tới. Lý do được đưa ra là để tăng cường kết nối con người, thúc đẩy văn hóa nội bộ, cải thiện khả năng phối hợp và tốc độ ra quyết định – những yếu tố được cho là đang bị ảnh hưởng bởi mô hình làm việc từ xa kéo dài suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Starbucks không chỉ yêu cầu mà còn đưa ra lựa chọn cho những ai không muốn hoặc không thể tuân thủ: một khoản hỗ trợ tài chính nếu nhân viên tự nguyện rời công ty. Đây là cách tiếp cận “mềm” hơn so với việc sa thải, nhưng lại tạo ra áp lực không nhỏ đối với những người buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, đặc biệt là với những nhân viên sống xa trụ sở hoặc có con nhỏ.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Starbucks đang nỗ lực tái cơ cấu toàn diện thông qua chiến lược mang tên “Back to Starbucks”. Dưới thời CEO Brian Niccol, công ty đặt mục tiêu cải thiện tốc độ phục vụ tại cửa hàng, đơn giản hóa quy trình vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là tái thiết văn hóa doanh nghiệp sau nhiều năm hoạt động phân tán. Việc tăng cường sự hiện diện tại văn phòng của đội ngũ hỗ trợ, theo Starbucks, là một phần không thể thiếu để hiện thực hóa mục tiêu này.

Tuy nhiên, chính sách mới không tránh khỏi tranh cãi. Trên thực tế, CEO Niccol hiện đang sống ở miền Nam California và thường xuyên di chuyển bằng máy bay riêng đến Seattle – điều khiến nhiều nhân viên cho rằng công ty đang áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Starbucks khẳng định ông đã mua nhà tại Seattle và vẫn đảm bảo thời gian làm việc trực tiếp đầy đủ, song hình ảnh một CEO bay chuyên cơ trong khi yêu cầu nhân viên chuyển nơi ở đã gây ra không ít bất bình âm ỉ.

screenshot-2025-07-15-at-09.38.45.png

Ngoài ra, chính sách này cũng chạm đến một vấn đề nhạy cảm hơn – sự công bằng trong cơ hội nghề nghiệp. Nhiều nghiên cứu, trong đó có khảo sát được trích dẫn bởi WSJ cho thấy phụ nữ – đặc biệt là các bà mẹ – thường có xu hướng lựa chọn làm việc từ xa. Khi chính sách buộc họ phải xuất hiện nhiều hơn tại văn phòng, khả năng họ mất cơ hội thăng tiến hoặc rơi vào thế bị động sẽ cao hơn so với nam giới. 

Tuy nhiên, Starbucks không phải là trường hợp cá biệt. Trong vòng 1 năm qua, nhiều công ty lớn tại Mỹ như Amazon, JPMorgan, Meta hay AT&T cũng đã lần lượt yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng nhiều hơn. Các lý do đưa ra gần như giống nhau: khôi phục văn hóa, cải thiện hiệu suất, tăng tương tác và giảm chi phí giao tiếp ảo. 

Với Starbucks, thông điệp từ CEO là rõ ràng: hoặc đồng hành cùng công ty trong quá trình tái tạo văn hóa, hoặc chọn rút lui trong hòa bình. Đây là cách tiếp cận mang tính quyết liệt nhưng vẫn tạo “đường lui” – một dạng tối hậu thư mềm mỏng. 

Từ góc độ nhân sự, quyết định của Starbucks có thể gây ra làn sóng “rút quân thầm lặng” – khi những người không còn đồng điệu với văn hóa mới sẽ tự động chọn chọn nhận gói hỗ trợ để ra đi. Điều này có thể khiến Starbucks mất đi một lượng lớn nhân viên giàu kinh nghiệm, nhưng mặt khác lại củng cố đội ngũ những người thực sự sẵn sàng gắn bó với chiến lược hiện tại. 

Xét về lâu dài, chính sách này sẽ chỉ thành công nếu Starbucks chứng minh được rằng việc trở lại văn phòng thực sự tạo ra giá trị – không chỉ cho công ty mà còn cho từng cá nhân nhân viên. Nếu văn phòng chỉ là nơi để “hiện diện vì bị bắt buộc”, chính sách này sẽ phản tác dụng. 

Theo: WSJ


(0) Bình luận
Starbucks yêu cầu nhân viên tới văn phòng ít nhất 4 ngày/tuần, quản lý phải chuyển đến sống gần trụ sở: 16.000 người dở khóc dở cười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO