Mất 12 tỷ NTD vì buôn gian bán lận, "gã đồ tể" 66 tuổi quyết tâm vực dậy đế chế thịt lợn: 10 năm sau thu lợi gấp 4, tiết lộ bí quyết thành công là không để lòng tham che mắt

09:34 08/12/2022

Năm 2006, Shuanghui bị phanh phui vụ việc sử dụng chất tạo nạc clenbuterol trong thịt lợn gây chấn động dư luận. Cách ông chủ Vạn Long đối mặt với khủng hoảng và vực dậy đế chế thịt lợn khiến nhiều ngạc nhiên và nể phục.

Mất 12 tỷ NTD vì buôn gian bán lận, "gã đồ tể" 66 tuổi quyết tâm vực dậy đế chế thịt lợn: 10 năm sau thu lợi gấp 4, tiết lộ bí quyết thành công là không để lòng tham che mắt

Ở Trung Quốc, ngoài ông "Vua thịt lợn" Chúc Nghĩa Tài, còn có một "gã đồ tể" vô cùng nổi tiếng trong ngành công nghiệp thịt lợn đó là Vạn Long - Nhà sáng lập Shuanghui. Tiếp quản một nhà máy phá sản với khoản nợ 5,8 triệu NDT rồi từng bước đưa công ty lọt top 500 doanh nghiệp toàn cầu, nhiều lần cứu nguy công ty thoát khỏi khủng hoảng, Vạn Long được xem là một trong những huyền thoại kinh doanh ở đất nước tỷ dân.

Kiếm 500.000 NDT trong 4 ngày

Wan Long sinh năm 1940 ở Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Vì gia đình nghèo khó nên mong ước lớn nhất của ông từ nhỏ là có một bữa ăn đầy đủ. Vì vậy, Vạn Long đã quyết định lên đường nhập ngũ trước khi tốt nghiệp trung học vì trong quân đội sẽ được ăn uống đầy đủ và có tiền trợ cấp cho gia đình.

Xuất ngũ sau 6 năm trong quân đội, Vạn Long trở về quê và gia nhập Nhà máy thịt Tháp Hà. Vào thời điểm đó, Nhà máy thịt  này là một công ty đã được thành lập hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ có lãi, thường xuyên phải dựa vào các khoản vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên. Trong lúc chưa tìm được việc, Vạn Long quyết định xin vào đây làm việc với suy nghĩ: Trước kia cơm không có ăn, áo chẳng đủ mặc vẫn có thể vượt qua, hiện tại chịu thêm chút thống khổ cũng chẳng làm sao.

    Tại nhà máy thịt, Vạn Long làm việc chăm chỉ như khi còn ở trong quân ngũ. Hơn nữa, ông còn thông minh và đáng tin cậy nên đã tạo được lòng tin với ông chủ. Ông được cất nhắc lên nhiều vị trí cao hơn và trở thành phó giám đốc nhà máy không lâu sau đó.

    Đầu những năm 1980, giá thịt lợn tăng cao, giám đốc nhà máy cũ dự trữ 1.500 tấn thịt, dự định bán với giá tốt trong dịp Tết. Tuy nhiên, Vạn Long lại đưa ra quan điểm ngược lại, ông tin rằng tất cả các nhà máy liên doanh thịt đang chuẩn bị bán thịt lợn trong dịp Tết, nguồn cung thịt lợn sẽ tăng lên rất nhiều nên giá thịt lợn sẽ chỉ giảm, tốt nhất là bán thịt lợn trước Tết.

    Ai cũng cho rằng Vạn Long điên, thế nhưng giám đốc nhà máy đã lắng nghe lời khuyên của ông. Quả thực, số thịt lợn của công ty được bán hết một cách nhanh chóng ngay trước Tết Nguyên đán, giúp công ty lãi 500.000 NDT trong 4 ngày. Dẫu vậy, nhân viên trong nhà máy vẫn chưa thực sự tin tưởng quyết định này của Vạn Long cho đến khi giá thịt lợn ở chợ giảm đến 20% trong Tết.

    Cải tổ nhà máy, biến lỗ thành lãi

    Khi câu chuyện bán thịt lợn của Vạn Long trở nên nổi tiếng, ông cũng chiếm được lòng tin của toàn bộ nhân viên. Sau khi giám đốc nhà máy nghỉ hưu, Vạn Long là người phù hợp nhất đảm nhiệm vị trí này. Tuy nhiên, ông không cảm thấy vui lắm khi trở thành giám đốc nhà máy, bởi vì những gì ông phải đối mặt sau đó là một mớ hỗn độn: Nhà máy thịt lợn chỉ có 1 kho lạnh chứa 3.000 tấn, xưởng chế biến 500 con lợn/ngày; Tài sản của công ty là 4,68 triệu NDT nhưng lỗ đến 5,8 triệu NDT.

    Ở thời điểm đó, nhiều nhân viên trong công ty đều là nhờ vào các mối quan hệ để được vào làm việc. Hơn nữa, một số còn có hành vi ăn cắp thịt mang về và tình trạng này chưa được kiểm soát. Sau một thời gian suy nghĩ, Vạn Long cho rằng nếu muốn vực dậy nhà máy thì phải chọn cách điều hành chặt chẽ hơn. 

     

    Ông luân chuyển những cán bộ được đưa vào nhà máy dựa trên mối quan hệ đến xưởng làm việc, yêu cầu thay phiên ca ngày và ca đêm. Những ai không đáp ứng được công việc sẽ cho nghỉ. Những người làm việc chăm chỉ sẽ được tăng lương, thăng cấp. Tăng cường rà soát và kiểm tra xưởng đều đặn, phát hiện nhân viên trộm thịt thì phải sa thải ngay để làm gương.

    Sau hoạt động thanh lọc này, môi trường nhà máy đã được cải thiện rất nhiều, nhưng cũng gây  thù hằn với nhiều người. Ông thường xuyên bị nhiều người gọi điện làm phiền, ném gạch vào nhà, thậm chí còn bị gửi đơn khiếu nại. Dù vậy, Vạn Long vẫn không hề nao núng bởi ông luôn tin những điều mình làm là đúng. 

    Sau cuộc cải tổ, cuối năm đó, nhà máy làm ăn thuận lợi hơn, tiền thu về không chỉ bù đắp khoản lỗ hơn 5,8 triệu NDT mà còn báo lãi hơn 8.000 NDT. Nhìn thấy thành công của Vạn Long, những người bị ông cho nghỉ càng ghen tị hơn, một vài trong số đó hợp tác với thế lực ngầm địa phương để ngăn cản những người chăn nuôi lợn bán lợn cho nhà máy thịt. 

    Họ nghĩ rằng nếu không có thịt lợn thì sẽ không có nguyên liệu, đương nhiên nhà máy sẽ không thể kinh doanh và hoạt động khi chỉ riêng tiền lương và các chi phí khác đã tốn đến 180.000 NDT mỗi tháng. Không chịu khuất phục, Vạn Long cho rằng tiền có thể giải quyết mọi vấn đề. Ông quyết định tăng giá thu mua tất cả giống lợn sống và dán thông báo khắp 45 thị trấn xung quanh nhà máy để tin tức tới với các chủ hộ nuôi lợn.

    Ngay hôm sau, nhà máy đã thu mua được hơn 2500 con lợn. Với nguyên liệu thô, nhà máy bắt đầu làm việc hết công suất và kiếm được 20.000 NDT trong tháng đó. Đến cuối năm, công ty đạt mức lợi nhuận kỷ lục là 200.000 NDT.

                                                             Trở thành "Vua thịt lợn"

    Mặc dù tình hình của nhà máy đã ổn định, nhưng ông chủ Vạn Long không hề tự mãn mà nuôi một tham vọng lớn hơn. Năm 1986, nghề giết mổ lợn được lan rộng, người bán thịt ngày càng nhiều, giá thịt lợn liên tục xuống thấp, nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ nhà máy sẽ nhanh chóng phá sản.

    Thị trường trong nước thừa cung thiếu cầu, Vạn Long đổi hướng sang thị trường quốc tế. Thời điểm đó, công nghiệp nặng ở Liên Xô cũ đã phát triển nhưng công nghiệp thực phẩm lại rất lạc hậu, đặc biệt là tình trạng thiếu thịt lợn và thịt bò. Nhận thấy đây là thời cơ thích hợp để xuất khẩu thịt lợn, Vạn Long chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm ngân hàng vay tiền và dùng số tiền đó để cải tiến thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất.

    Khi năng lực sản xuất đã tăng lên, nhà máy thịt của ông đã xuất khẩu tổng cộng 50.000 tấn thịt lợn sang Liên Xô cũ trong một năm. Chỉ sau 5 năm, doanh nghiệp của ông đã đạt mức lợi nhuận 16 triệu NDT  nhờ thị trường tiềm năng này. Mặc dù vậy, Vạn Long vẫn chưa có ý định dừng lại mà tiếp tục mở rộng đế chế của mình.

     

    Năm 1988, sau khi thấy rất nhiều người xếp hàng mua xúc xích ở Moscow, Vạn Long cảm thấy rằng có thể đầu tư sản xuất sản phẩm này. Nếu công ty chỉ mãi bán thịt lợn thì rất khó để phát triển hơn nữa. Nói là làm, ông chuyển trọng tâm kinh doanh của nhà máy sang sản xuất xúc xích giăm bông, thành lập thương hiệu "Shuanghui", đầu tư tất cả 16 triệu NDT kiếm được vào dây chuyền sản xuất đẳng cấp thế giới từ Đức, Áo và những nơi khác.

    Vào thời điểm đó, sản phẩm xúc xích ở Trung Quốc đã có thương hiệu Chundu rất nổi tiếng, thế nhưng điều đó không làm Vạn Long nản chí. Cho rằng khách hàng sẽ tin dùng sản phẩm chất lượng nên ông đã cho ra mắt sản phẩm mới với hàm lượng thịt lợn trong xúc xích cao tới 90% với khẩu hiệu: "Bạn có thể ăn thịt nạc chỉ với một miếng cắn."

    Bên cạnh đó, ông còn mời thêm các ngôi sao nổi tiếng lúc bấy giờ trải nghiệm sản phẩm của mình. Nhờ đó, sản phẩm xúc xích của Shuanghui được biết đến rộng rãi. Vào năm 1996, hơn 1.000 đại diện đại lý đã đổ xô đến trước doanh nghiệp Shuanghui của Vạn Long để thể hiện mong muốn được hợp tác làm ăn. Shuanghui từ đó phát triển như vũ bão, chỉ trong một năm đã tiến vào thị trường của hơn 100 thành phố trên cả nước, từ cửa hàng nhỏ đến siêu thị, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng có thể thấy sản phẩm của Shuanghui.

    Năm 1998, doanh thu của Shuanghui vượt quá 2 tỷ NDT, trở thành công ty dẫn đầu ngành, đồng thời được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và phát hành cổ phiếu chế biến thịt đầu tiên ở Trung Quốc.

    Mất 12,1 tỷ chỉ sau một đêm và màn lật ngược thế cờ đỉnh cao

    Thành công đã mang Shuanghui đạt đến đỉnh cao nhưng bão tố cũng nhanh chóng kéo đến. Năm 2006, Shuanghui bị phanh phui vụ việc sử dụng chất tạo nạc clenbuterol trong thịt lợn gây xôn xao dư luận. Chỉ trong 10 ngày, Shuanghui báo lỗ hơn 1 tỷ NDT, tổng cộng các khoản lỗ khác nhau lên đến hơn 12,1 tỷ NDT. 

    Trước biến cố quá lớn, Vạn Long vội vã trở về Tháp Hà ngay trong đêm để thảo luận về các biện pháp giải quyết vấn đề. Sau cùng, ông cho rằng cách tốt nhất là nhận lỗi: "Sai lầm là sai lầm, đừng tìm kiếm bất kỳ lý do gì để bao biện cho nó." Ông mở một cuộc họp báo và cúi đầu nhận lỗi về hành vi sai trái và hứa ba điều với người tiêu dùng: Thứ nhất, thể chế hóa an toàn thực phẩm và thành lập quỹ khen thưởng an toàn thực phẩm; Thứ hai, tăng cường kiểm soát nguồn hàng, không còn mua lợn từ các nhà buôn nhỏ lẻ; Thứ ba, giám định nguồn thịt nhập vào.

    Ở hạng mục thứ ba, chi phí cho giám định chất lượng thịt đầu vào sẽ tốn khoảng 300 triệu NDT/ năm, bằng một nửa lợi nhuận hàng năm của Shuanghui. Tuy nhiên, Vạn Long nhất quyết thực hiện điều đó để lấy lại lòng tin ở người tiêu dùng. Sau một loạt các biện pháp, Shuanghui dần thoát khỏi đáy và phục hồi doanh thu lên 45 tỷ NDT vào năm 2013.

    Tháng 9 năm 2013, Shuanghui mua lại Smithfield Corporation của Hoa Kỳ với giá 7,1 tỷ USD, trở thành công ty chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới. Năm 2016, doanh thu của Shuanghui vượt 51,8 tỷ NDT, giá trị thị trường vượt 140 tỷ NDT và trở thành một trong 500 công ty toàn cầu của Fortune, và là công ty thực phẩm nội địa duy nhất trong danh sách này. Lúc này, ông chủ Vạn đã 77 tuổi. 

    Sau hơn 30 năm làm việc chăm chỉ, Vạn Long được tôn vinh là "cha đỡ đầu" của ngành sản xuất thịt lợn ở Trung Quốc", tuy nhiên, ông kiêm tốn thừa nhận rằng mình chỉ là một người bán thịt lợn bình thường như bao người khác. Vạn Long không có sở thích gì đặc biệt, ông không hút thuốc, uống rượu hay tụ tập bạn bè. Ngày nào, ông cũng ăn ba bữa tại công ty và cứ như thế suốt hàng chục năm qua. Sự tập trung, chăm chỉ cùng sự nhạy bén trong kinh doanh đã giúp Vạn Long xây dựng đế chế của riêng mình một cách vững mạnh.

    Tuy nhiên, khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông chủ Vạn nói': "Trên thực tế, không có bí quyết thành công nào cả, tôi chỉ nỗ lực hết mình để cho ra những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Bài học mà tôi rút ra được trong suốt chặng đường kinh doanh của mình chính là không được để lòng tham che mắt và phải kiên trì. Nếu bạn làm những việc phức tạp một cách đơn giản, bạn sẽ là một chuyên gia; nếu bạn làm những việc lặp đi lặp lại một cách cẩn thận, bạn sẽ là người chiến thắng."

    (Theo posts.careerengine)


    (0) Bình luận
    Mất 12 tỷ NTD vì buôn gian bán lận, "gã đồ tể" 66 tuổi quyết tâm vực dậy đế chế thịt lợn: 10 năm sau thu lợi gấp 4, tiết lộ bí quyết thành công là không để lòng tham che mắt
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO