Bạc và thiếc là hai mặt hàng duy nhất ghi nhận đà giảm của giá so với ngày trước đó, trong khi sắc xanh bao phủ toàn bộ các kim loại còn lại.
Bạch kim tiếp tục mức phục hồi 0,14% lên 871,3 USD/ounce trong khi bạc không còn giữ được đà tăng, chốt tại 18,7 USD/ounce sau khi giảm 0,89%.
Đồng USD đã có ngày suy yếu thứ 2 liên tiếp và là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá phần lớn các mặt hàng kim loại khi áp lực về chi phí nắm giữ vật chất giảm bớt.
Vào ngày hôm qua, dữ liệu đo lường lạm phát tại nước Đức lần đầu tiên đạt ngưỡng 2 con số kể từ khi đồng Euro ra đời cách đây 20 năm, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng vọt 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đang làm tăng nguy cơ về lạm phát tại Khu vực châu Âu sẽ vượt quá ước tính chung 9,7% trong tháng 9, và thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 10.
Đồng Euro nhanh chóng tăng vọt sau dữ liệu này và do đó, đồng bạc xanh chịu sức ép, kéo chỉ số USD Index giảm 0,31% và củng cố cho đà tăng của bạch kim. Trong khi đó, kháng cự 19 USD/ounce đã ngăn cản sự bứt phá của giá bạc, nhất là khi bài toán về nhu cầu công nghiệp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự suy yếu của đồng USD cũng đã hỗ trợ cho phần lớn giá các mặt hàng kim loại cơ bản trong phiên.
Đồng COMEX giảm mạnh nửa đầu phiên, nhưng nhanh chóng đảo chiều theo diễn biến của đồng USD, kết thúc với mức giá 3,41 USD/pound sau khi tăng 1,77%.
Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết Sở giao dịch kim loại London (LME) đang xem xét một cuộc tham vấn về việc liệu kim loại của Nga như nhôm, niken và đồng có nên tiếp tục được lưu trữ và giao dịch trong hệ thống hay không.
Điều này đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung kim loại của Nga sẽ bị cấm tại Sở giao dịch kim loại lâu đời nhất trên thế giới và hỗ trợ cho giá các mặt hàng này tăng khá mạnh trong phiên. Kim loại nhôm, niken và đồng của Nga lần lượt chiếm khoảng 7%, 6% và 3,5% tổng sản lượng trên thế giới.
Giá quặng sắt cũng tiếp tục đà phục hồi sau khi đón nhận tin tức tích cực về triển vọng tiêu thụ, khi mà Chính phủ Trung Quốc phân phối thêm 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng chính sách của quốc gia này.
Ngoài ra, nhu cầu dự trữ thép tăng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tuần sau cũng đã hỗ trợ cho giá sắt.
Đối với thị trường nội địa, giá thép hôm nay vẫn giữ ổn định sau phiên tăng thứ ba liên tiếp từ 31/8, tăng mạnh nhất gần 900.000 đồng/tấn.
Tổng mức tăng của giá thép sau 3 lần liên tiếp từ 31/8 đến nay là hơn 2 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật tăng lần lượt 880.000 đồng/tấn và 470.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, thép Hòa Phát điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ nguyên với 15,12 triệu đồng/tấn. Sau điều chỉnh, giá CB240 là 14,82 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 400.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 400.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,12 triệu đồng/tấn và 15,38 triệu đồng/tấn sau khi tăng lần lượt 480.000 đồng/tấn và 130.000 đồng/tấn.
Với thép Miền Nam, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,43 triệu đồng/tấn và 15,83 triệu đồng/tấn sau khi lần lượt tăng 410.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn.
Về thép Thái Nguyên, hai loại trên là 15,2 triệu đồng/tấn và 15,66 triệu đồng/tấn sau khi tăng 580.000 đồng/tấn và 490.000 đồng/tấn.