USD chao đảo trong nửa đầu năm 2025: Dấu hiệu đồng bạc xanh dần mất 'ngôi vương'?

Bảo Hân | 14:22 08/07/2025

Đồng USD hiện đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về kinh tế và chính sách.

USD chao đảo trong nửa đầu năm 2025: Dấu hiệu đồng bạc xanh dần mất 'ngôi vương'?

Trong nửa đầu năm 2025, đồng USD chứng kiến diễn biến yếu nhất kể từ thời Tổng thống Richard Nixon, khi nước Mỹ rời bỏ bản vị vàng vào năm 1973. Cụ thể, USD đã giảm 10,7% so với rổ tiền tệ toàn cầu tính đến hết tháng 6, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. 

Tuy nhiên, bất chấp những biến động gần đây, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định: đồng USD vẫn là đồng tiền ổn định và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Những “cơn gió ngược” đang thổi vào đồng bạc xanh

Đồng USD hiện đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về kinh tế và chính sách: thâm hụt ngân sách gần 2.000 tỷ USD trong năm 2025, tổng nợ công công khai tiến sát ngưỡng 30.000 tỷ USD, cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. Tình trạng bất ổn về chính sách, đặc biệt là những chỉ đạo thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng làm tăng thêm tâm lý e ngại đối với USD.

Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B. Riley Wealth Management, cho biết: “Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt lý do khiến đồng USD gặp khó: thâm hụt khổng lồ, căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị… và khi đà giảm bắt đầu, rất khó để dừng lại.”

Mặc dù đồng USD có lúc phục hồi nhẹ vào giữa tháng 4 khi thị trường kỳ vọng mức thuế của Trump sẽ không quá cao, nhưng xu hướng chung vẫn là trượt dốc - bắt đầu từ tháng 1 và chưa có dấu hiệu ổn định rõ ràng.

Đáng chú ý, sự suy yếu của đồng USD không hẳn là tin xấu với thị trường chứng khoán Mỹ. Khoảng 40% doanh thu của các công ty trong chỉ số S&P 500 đến từ thị trường quốc tế. Do đó, một USD yếu hơn giúp hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn, điều quan trọng giữa bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt.

Tuy nhiên, đà giảm của đồng bạc xanh cũng làm dấy lên lo ngại về việc chấm dứt thời kỳ “thuyết Mỹ phi thường” (American exceptionalism) và sự suy giảm trong vai trò trung tâm toàn cầu của đồng USD. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tích cực mua vào vàng như một tài sản thay thế - trung bình 24 tấn mỗi tháng trong nửa đầu năm, theo Hội đồng Vàng Thế giới.

Lawson Winder, chuyên gia phân tích tại Bank of America, nhận định: “Chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương đang mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, giảm phụ thuộc vào USD và phòng ngừa lạm phát lẫn bất ổn kinh tế. Xu hướng này sẽ tiếp tục.”

Một số tổ chức tài chính lớn tiếp tục giữ vị thế bán khống đối với USD. “Các yếu tố tiêu cực đối với đồng đô la đang hiện diện khắp nơi. Chúng tôi tin rằng USD sẽ trở nên bị định giá thấp hơn nữa,” theo chuyên gia Daniel Von Ahlen từ TS Lombard.

Việc Fed có khả năng cắt giảm lãi suất cũng tạo áp lực giảm thêm cho đồng tiền này. Tuy vậy, tác động thực tế của các quyết sách tiền tệ thường khó dự đoán chính xác. Chẳng hạn, dù Fed cắt lãi suất trong năm 2024, USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn tăng mạnh.

USD vẫn là “mỏ neo” của hệ thống tài chính toàn cầu

Song, không ít chuyên gia vẫn tin rằng đà suy yếu của USD chỉ mang tính tạm thời. Thomas Matthews, trưởng bộ phận thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho rằng đà giảm gần đây có thể là kết quả từ đà tăng giá có chủ đích của các đồng tiền khác và thay đổi trong chiến lược phòng ngừa rủi ro.

Wells Fargo cũng bác bỏ lo ngại về việc USD mất vị thế toàn cầu. “Nếu xét theo các chỉ số thống kê, USD vẫn là trục chính của thương mại và tài chính toàn cầu, và chưa hề có dấu hiệu bị thay thế,” Jennifer Timmerman, chuyên gia chiến lược tại ngân hàng này, khẳng định. 

Bà nhấn mạnh các lợi thế lâu dài của Mỹ như hệ thống pháp luật minh bạch, thị trường tài chính sâu rộng và thanh khoản cao khiến việc từ bỏ đồng USD là điều “rất khó và diễn ra cực kỳ chậm chạp.”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, cũng khẳng định trên CNBC rằng: “Biến động tiền tệ hiện nay không có gì là bất thường.” Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cũng cho thấy thị trường vẫn tồn tại mối lo ngại về USD và các tài sản Mỹ.

Art Hogan kết luận: “Thị trường có thể đã đi quá đà trong việc bán tháo USD, nhưng xét về mặt cơ bản, vẫn có nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư lo lắng.”

Tham khảo CNBC


(0) Bình luận
USD chao đảo trong nửa đầu năm 2025: Dấu hiệu đồng bạc xanh dần mất 'ngôi vương'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO