Bỏ S25 Ultra để sang dùng thử mẫu điện thoại “bị chê nhất” hiện nay của Samsung: Cái kết không như mơ

Quốc Vinh | 22:02 08/07/2025

Sau ba tuần thử nghiệm, có thể khẳng định thời lượng pin của S25 Edge chỉ ở mức dưới trung bình.

Bỏ S25 Ultra để sang dùng thử mẫu điện thoại “bị chê nhất” hiện nay của Samsung: Cái kết không như mơ

Galaxy S25 Edge trở thành mẫu điện thoại Samsung chịu nhiều “lời ra tiếng vào” nhất kể từ khi ra mắt cách đây hơn một tháng. Với những hạn chế về camera và pin, thiết bị siêu mỏng của Samsung dường như đã không thu hút được người dùng như mong đợi, khiến hãng phải cắt giảm số lượng sản xuất chỉ trong thời gian ngắn.

Cây bút review Kerry Wan của ZDNET đã thử bỏ S25 Ultra để chuyển sang dùng mẫu máy này và đưa ra kết luận của riêng mình. Dưới đây là chia sẻ của anh.

Như một cuộc cách mạng

dsc05759.png
Galaxy S25 Edge trái và Galaxy S25 Plus phải.

Ngay từ khoảnh khắc mở hộp Samsung Galaxy S25 Edge, tôi biết mình sắp gặp "rắc rối" rồi. Dù đã có vài giờ vọc vạch chiếc điện thoại này từ hồi tháng 5, nhưng việc thực sự sống chung hàng ngày với một thiết bị mỏng hơn đáng kể, và quan trọng hơn cả là nhẹ hơn bất kỳ mẫu máy nào từng trải nghiệm gần đây, đã tạo ra cuộc cách mạng thực sự.

Với S25 Edge, sự khác biệt đến từ những điều nhỏ nhặt nhất: độ nhẹ của máy khiến các loại ốp lưng nam châm khó bị tuột khỏi ngàm giữ một cách vô tình; cảm giác đỡ nặng hơn biết bao khi phải giữ màn hình 6,8 inch trong lúc tay kia phải bám vào cột trên tàu điện ngầm; và cú rơi vào mặt trên giường cũng bớt đau hơn một chút.

Nếu có một bài học lớn nhất rút ra từ việc trải nghiệm S25 Edge kể từ khi ra mắt, thì đó là những chiếc điện thoại mỏng nhẹ đã "chiều hư" tôi về mọi mặt, chỉ trừ một điểm. Không may cho Samsung, nhược điểm duy nhất đó lại đủ sức thuyết phục người ta mua một chiếc điện thoại khác.

Ấn tượng đầu tiên của bạn về S25 Edge có lẽ sẽ giống hệt tôi và rất nhiều người khi được trên tay một chiếc điện thoại siêu mỏng của năm 2025. Đây là một tuyệt tác kỹ thuật, với kết cấu siêu nhẹ (163 gram) được bọc trong cùng loại vật liệu titan giúp bảo vệ mẫu S25 Ultra đắt giá hơn khỏi những va đập và trầy xước.

dsc05819.png

Dù màn hình 6,8 inch có chung thông số với mẫu S25 Plus, cảm giác cầm nắm lại khác một trời một vực. Cảm giác như có gì đó "sai sai" khi không còn phải chịu gánh nặng khi cầm một chiếc điện thoại màn hình lớn, và tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi khía cạnh này ngay từ ngày đầu tiên.

Samsung cho biết họ đã lấy rất nhiều cảm hứng thiết kế từ dòng Z Fold khi tạo ra S25 Edge, và tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Tôi đã dùng qua mọi thế hệ điện thoại gập của Samsung từ năm 2019 và luôn tự hỏi sẽ tuyệt đến thế nào nếu có thể tách đôi màn hình gập ra mà vẫn giữ được sự mỏng nhẹ.

S25 Edge chính là hiện thực hóa của ý tưởng này, khiến cho hầu hết những chiếc điện thoại khác tôi cầm lên sau khi trải nghiệm đều trở nên lỗi thời.

Tổng thể khá ổn áp

Tôi không mấy hào hứng với việc S25 Edge thiếu đi màn hình chống lóa, một trong những tính năng đáng giá nhưng thường bị xem nhẹ trên mẫu S25 Ultra. Chắc chắn, độ sáng tối đa 2.600 nits giúp S25 Edge vẫn có thể sử dụng được dưới trời nắng gắt, nhưng hiện tượng lóa và phản chiếu vẫn rất rõ rệt, đặc biệt là khi mặt trời mùa hè ngày một gay gắt.

dsc03595-2.png

May mắn là mỗi khi sử dụng, chiếc điện thoại đều vận hành một cách đầy duyên dáng. Khó có thể chỉ ra một yếu tố duy nhất tạo nên hiệu năng ấn tượng này, vì vậy tôi xin dành lời khen cho sự kết hợp của vi xử lý Qualcomm Snapdragon 8 Elite, những hoạt ảnh mượt mà hơn trên One UI 7, và dung lượng RAM 12 GB. Cấu hình hoàn toàn đủ sức cho các tác vụ AI phức hợp, chơi game di động và lướt vô số các trang mạng xã hội.

Chỉ cuối tuần vừa rồi, tôi đã dùng tính năng Gemini Live để hỏi cách xử lý một bức tường cây thường xuân ngoài hàng rào, vừa phát nhạc qua Spotify tới loa Bluetooth, vừa nhắn tin cho vợ về kế hoạch bữa tối.

Tất cả đều chạy trên mạng LTE, và S25 Edge đã xử lý trơn tru mà không gặp mấy trở ngại. Dù vậy, tôi nhận thấy mặt lưng máy, khu vực gần cụm camera nơi đặt chip xử lý, thường xuyên nóng lên khi chạm vào.

Điều này khiến tôi tin rằng, dù Samsung đã cố gắng tích hợp hệ thống tản nhiệt hiệu quả vào S25 Edge, họ vẫn có quá ít không gian để triển khai một giải pháp đủ sức cho nhu cầu sử dụng hiện đại. Bất kỳ người dùng có cường độ sử dụng cao nào cũng có thể dễ dàng làm chiếc máy "bốc hỏa".

Về camera, S25 Edge được trang bị một ống kính góc rộng 200 MP và một ống kính siêu rộng 12 MP. Ban đầu, tôi khá thất vọng khi Samsung không thể thêm vào một ống kính tele chuyên dụng – mà ngay cả mẫu S25 tiêu chuẩn cũng có – nhưng trong thực tế, tôi lại không quá nhớ nhung cảm biến chụp xa này.

20250519-130136.png

Trong hầu hết các trường hợp, ảnh crop 2x ở cấp độ quang học từ cảm biến 200 MP đã mang lại chi tiết, khả năng tái tạo màu sắc và tầm chụp vừa đủ cho mọi nhu cầu của tôi.

Tôi không nhận thấy sự khác biệt quá lớn về chất lượng hình ảnh và video khi so sánh với S25 Ultra. Thậm chí, có những khoảnh khắc tôi còn thích ảnh chụp từ S25 Edge hơn, vì nó không đẩy màu sắc lên quá rực như thói quen thường thấy trên điện thoại Samsung.

Điểm yếu là đây

Câu hỏi lớn nhất trước khi trải nghiệm S25 Edge chính là thời lượng pin.

Sau ba tuần thử nghiệm, tôi có thể khẳng định thời lượng pin của S25 Edge chỉ ở mức dưới trung bình.

Kết quả này thực ra đã được báo trước: một chiếc điện thoại màn hình lớn (AMOLED 6,8 inch), vi xử lý mạnh mẽ (Qualcomm Snapdragon 8 Elite), nhưng dung lượng pin (3.900 mAh) lại còn thấp hơn cả mẫu S25 nhỏ nhất (4.000 mAh).

Nói một cách ngắn gọn, S25 Edge đã khiến nỗi lo về pin lại ám ảnh tôi một lần nữa. Chiếc máy trên tay tôi luôn tụt xuống còn 10-20% pin vào cuối buổi chiều. So với gần như mọi chiếc điện thoại khác của năm 2025, sự sụt giảm về thời gian sử dụng này là điều tôi nhận thấy ngay lập tức.

Ngay cả sau khi dùng thử một thời gian, và có những lúc tôi phải chấp nhận giảm tần số quét xuống 60Hz và bật chế độ tiết kiệm pin, tôi vẫn không tài nào sử dụng trọn vẹn một ngày.

Đối với tôi, đây là một điểm trừ không thể chấp nhận và có lẽ cũng là với bất kỳ ai thường xuyên phải di chuyển, xa ổ cắm hoặc không muốn kè kè cục sạc dự phòng bên mình. Việc S25 Edge chỉ hỗ trợ sạc nhanh có dây 25W, kém xa mức 45W của S25 Plus, càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

dsc03609-2.jpg

Giá như Samsung chịu khó thể hiện sự tài tình của mình hơn một chút và trang bị pin silicon-carbon thì có lẽ chúng ta đã có trong tay một trong những chiếc điện thoại tốt nhất năm 2025.

Thay vào đó, đây lại là một trường hợp điển hình của sự tiếc nuối "giá như". Dù sao, người chiến thắng lớn nhất có lẽ là chính Samsung, khi giờ đây họ có thể tự hào nói với Apple rằng mình đã đi trước một bước trong cuộc đua điện thoại siêu mỏng.

Tôi xin nhắc lại, Samsung Galaxy S25 Edge đã tiến rất gần đến định nghĩa chiếc điện thoại trong mơ của tôi, với thiết kế và phần cứng gần như hoàn hảo trong tầm giá 1.099 USD.

Nhưng thời lượng pin yếu kém chính là "gót chân Achilles" của một chiếc điện thoại siêu mỏng. Samsung đáng lẽ phải nhận thức được nhược điểm này ngay từ khi bắt đầu sản xuất.

Kết quả là, chúng ta có một chiếc điện thoại của tương lai nhưng lại bị kìm hãm bởi một vấn đề xưa cũ.

Tất nhiên, nếu bạn chấp nhận đánh đổi thời lượng pin dưới trung bình để lấy một thiết bị nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, S25 Edge vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay. Nhưng nếu bạn muốn một lựa chọn an toàn hơn, pin bền hơn và thậm chí còn mạnh mẽ hơn, hãy cân nhắc đến S25 Plus và bạn sẽ không phải hối tiếc.


(0) Bình luận
Bỏ S25 Ultra để sang dùng thử mẫu điện thoại “bị chê nhất” hiện nay của Samsung: Cái kết không như mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO