Thông tin này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại buổi họp báo sáng 8/7.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, nhà ở xã hội (145.000 tỷ đồng), hạ tầng và công nghệ số (500.000 tỷ đồng), nông - lâm - thủy sản (100.000 tỷ đồng).
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 đạt 16%, đồng thời kiểm soát lạm phát trong khoảng 4,5-5%. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục bám sát dữ liệu kinh tế để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mở rộng tín dụng có chọn lọc, gắn với kiểm soát chặt nợ xấu và chất lượng tín dụng.
Về quản lý hạn mức tín dụng - “room”, từ đầu năm nay, NHNN đã dừng giao chỉ tiêu với ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chỉ còn áp dụng với ngân hàng thương mại trong nước. Dự kiến “room” tín dụng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn theo lộ trình, sau khi đánh giá đầy đủ tác động và điều hành lãi suất phù hợp để đảm bảo an toàn hệ thống.
Trong khi đó, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, hơn 95% giao dịch ngân hàng được thực hiện qua kênh số, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt gần 87%, giá trị giao dịch không tiền mặt gấp 25 lần GDP.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và Lào. Tính đến giữa tháng 6/2025, toàn hệ thống đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được xác thực sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VNeID, chiếm gần 100% tài khoản có giao dịch số.
Ngoài ra, gần 1 triệu hồ sơ tổ chức cũng đã hoàn tất xác thực. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia đã phối hợp Bộ Công an làm sạch gần 57 triệu hồ sơ khách hàng, nâng cao độ chính xác dữ liệu toàn hệ thống.
Ngành ngân hàng hiện dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính 7 năm liên tiếp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế thông qua các chính sách tín dụng linh hoạt, an toàn và hỗ trợ số hóa.