Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại dự án Luật Giá (sửa đổi). Tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng các đại biểu đều nhấn mạnh đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.
Trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...) cũng như liên quan đến nhiều điều ước quốc tế, các đại biểu đề nghị rà soát để xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn. Một mặt có quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành. Mặt khác cần có quy định mang tính nguyên tắc trong quản lý để tạo căn cứ áp dụng, minh bạch, dễ tiếp cận.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo Luật còn còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Qua rà soát cho thấy, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều luật giao Chính phủ quy định với nhiều nội dung quan trọng như Danh mục hàng hóa bình ổn giá; trường hợp quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc Danh mục bình ổn giá...
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân khi quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết có vẻ như sẽ thuận lợi, linh hoạt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, có vấn đề tự Chính phủ không thể quyết định được.
Đại biểu dẫn chứng trong quản lý giá xăng dầu, bình ổn giá thông qua điều hòa cung cầu, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ…nhưng thực tế việc sử dụng Quỹ bình ổn giá này không thực sự linh hoạt, không theo đúng tinh thần của luật.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị không nên quy định giao Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết thêm, việc quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.
Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp hàng tháng và thậm chí có thể họp bất thường nên đáp ứng được yêu cầu quyết định kịp thời.
Ngoài ra, cũng từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều bộ ngành cùng tham gia, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Luật cần có thêm cơ chế để việc dùng quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt.
“Mục tiêu của quỹ bình ổn giá là để đảm bảo đáp ứng những lúc giá biến động nhưng với cơ chế vận hành như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu”, Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ rõ dự thảo Luật quy định trường hợp cơ quan nhà nước quyết định bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường; khi công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.
Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến, quy định cứng này sẽ bó hẹp và khó linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế. Bởi nhiều khi có biến động giá lớn về mặt hàng hàng hóa của quốc tế và khu vực nhưng chúng ta chưa lường hết được. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định mở đối với trường hợp biến động lớn về hàng hóa, giá cả trong nước cũng như quốc tế, khu vực, tác động sâu rộng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng đề nghị rà soát để bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm trong vấn đề bình ổn giá ngay lập tức trước sự cố nào đó; đồng thời tăng thêm tính cơ động, phân cấp, phân quyền và tính chịu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan tới dịch bệnh, sự cố, thảm họa để kịp thời ổn định ngay để giảm bớt các thủ tục hành chính.
Đại biểu Đai biểu Chau Chắc – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, để có thể xử phạt về vi phạm hành chính về giá.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, dự thảo Luật chưa có quy định về việc xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quy trình định giá hàng hóa, dịch vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, khi không có quy trình xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tình thì nên giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có ý kiến về vấn đề này.