Theo văn bản góp ý cho dự thảo Luật Giá sửa đổi của Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA), nguyên tắc này là một sự đổi mới mang tính đột phá tuân thủ cơ chế kinh tế tổng quát.
Một số quy định rất dễ bị lạm dụng trong thực tiễn điều hành
VVA chỉ ra, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và có thể khái quát bằng 5 nội dung lớn:
Thứ nhất: Cơ chế giá, hệ thống giá (bao gồm cả những loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá) phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Thứ hai: Quy định rõ vai trò, phạm vi, mức độ, biện pháp điều tiết của Nhà nước theo các tiêu chí rõ ràng để các thành tố tham gia thị trường có thể tiên liệu được sự can thiệp của Nhà nước để xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Sự điều tiết đó phải hoàn toàn do yêu cầu khách quan nhằm vào việc khắc phục những hạn chế, những khuyết tật, những tác động bất lợi của thị trường đến nền kinh tế.
Thứ ba: Bãi bỏ các biện pháp can thiệp của Nhà nước về giá mang tính phi thị trường, các biện pháp về giá không phù hợp với cam kết quốc tế như: Trợ cấp qua giá, trợ giá, bù chéo qua giá…
Thứ tư: Quy định cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều phải có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin về giá.
Thứ năm: Quy định rõ ràng, đầy đủ về hoạt động thẩm định giá cả hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về cơ bản, sau 10 năm thực hiện, tính đúng đắn của Luật Giá đã được thực tế chứng minh, tuy nhiên cũng có những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới và yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá là cần thiết.
Theo VVA, dự thảo Luật Giá sửa đổi cần phải nhất quán quán triệt nguyên tắc: Kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Giá hiện hành, chỉ bổ sung những nội dung mới hợp lý mà Luật Giá hiện hành chưa đề cập.
Từ nguyên tắc đó, đối chiếu với nội dung Luật Giá sửa đổi, VVA cho rằng chỉ nên xây dựng “Luật Giá sửa đổi, bổ sung Luật Giá số 11/2012/QH13”, không cần thiết phải xóa bỏ hoàn toàn Luật Giá hiện hành để sửa đổi thành Luật hoàn toàn mới.
Theo VVA, những nội dung cơ bản của Luật Giá hiện hành đã tuân thủ nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; Xóa bỏ cơ chế bao cấp về giá trong nền kinh tế…
Các nội dung đó còn nguyên giá trị và toàn là những nội dung có tính cốt lõi của Luật được Luật Giá sửa đổi kế thừa như: Nguyên tắc quản lý giá, căn cứ định giá, công khai thông tin về giá, các hành vi bị cấm; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng; điều tiết giá của Nhà nước (gồm bình ổn giá, định giá hiệp thương giá, kê khai giá, hiệp thương giá, niêm yết giá…); thẩm định giá.
Trong khi Luật Giá sửa đổi chỉ bổ sung thêm những nội dung về dự báo giá cả thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và “nâng cấp” thành Luật một số nội dung từ một số văn bản hướng dẫn hiện hành của Luật Giá về thẩm định giá.
Một số nội dung lớn mà Dự thảo sửa đổi đặt ra đã xóa bỏ tính nhất quán của Luật Giá hiện hành xác định cơ chế giá ở nước ta là cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng là không hợp lý, thậm chí là một “bước lùi” so với Luật Giá hiện hành.
Văn bản góp ý của VVA cho rằng, quy định được phép xây dựng lộ trình từng bước tiến tới thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ; Cho phép quay lại cơ chế bao cấp bù giá, bù lỗ đối với một số hàng hóa dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường; Tăng thêm thủ tục hành chính khá cồng kềnh trong hoạt động định giá của Nhà nước như: Tất cả các loại hàng hóa dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ, trước khi quyết định phải xin ý kiến của Bộ Tài chính. Tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trước khi quyết định phải xin ý kiến của Hội đồng Nhân dân…
Một số quy định rất dễ bị lạm dụng trong thực tiễn điều hành như xác định danh mục điều tiết giá, giá tham chiếu… xóa bỏ các quy định tiêu chuẩn thẩm định viên về giá, nhân lõi làm nên và quyết định … chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá…
Cần xem lại bố cục của Luật
Theo VVA, Luật Giá hiện hành được bố cục thành 5 chương gồm: Chương I “Những quy định chung”; Chương II “Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá”; Chương III “Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước”; Chương IV “Thẩm định giá”.
VVA cho rằng, bố cục trên được xây dựng trên cơ sở tuân thủ “cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” với quan điểm bao trùm là nhấn mạnh hoạt động của thị trường “thị trường nhiều nhất và Nhà nước ít nhất”. Đó là quá trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể kinh tế trong việc hình thành giá cả, phân phối tài nguyên, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường.
Nhà nước khẳng định tôn trọng cơ chế ấy và chỉ thực hiện việc điều tiết của mình bằng các giải pháp kinh tế là chủ yếu nhằm khắc phục những khuyết tật, những tác động mang tính tự do, tự phát của thị trường để cơ chế ấy hoạt động có hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, Luật Giá hiện hành đã bố cục làm nổi bật đầu tiên và trước hết là khẳng định quyền tự chủ về giá, tức tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên thị trường rồi mới đến vai trò điều tiết của Nhà nước đối với các hoạt động đó.
VVA nhận định, về cơ bản, bố cục đó là hợp lý, được các chủ thể tham gia thị trường là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồng tình.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Giá sửa đổi đã không đi theo hướng tách riêng như Luật Giá hiện hành mà lại chú trọng nhấn “rất mạnh” và có thể coi chủ yếu là vai trò của Nhà nước điều tiết giá.
Với bố cục của Dự thảo Luật Giá sửa đổi cho thấy vai trò của thị trường mà chủ thể của nó là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chiếm vị trí khá mờ do bố cục lẫn trong rất nhiều quyền của chính quyền Nhà nước các cấp.
VVA cho rằng bố cục của Dự thảo cần được cân nhắc, xem xét lại.