Giá căn hộ ghi nhận tăng mạnh ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp
Theo một khảo sát của Batdongsan.com, khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) luôn nằm trong top đầu các khu vực về nguồn cung và giao dịch của thị trường. Trong khoảng 3 năm qua, từ 2021 đến nay, tốc độ tăng giá của căn hộ khu vực này luôn cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7-15%. Đặc biệt, Tây Hồ Tây là nơi hội tụ của các nhà phát triển bất động sản tầm cỡ với các dòng sản phẩm cao cấp định vị thương hiệu riêng cho khu vực này.
Dữ liệu của Savills cũng cho thấy từ năm 2021 đến nay, giá bất động sản ở Tây Hồ Tây (thuộc 2 quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung ở thị trường Hà Nội. Trong đó, giá căn hộ sơ cấp tại quận Tây Hồ tăng 27%, quận Bắc Từ Liêm tăng 21% mỗi năm, trong khi mức tăng trung bình toàn thành phố là 17% một năm.
Đơn cử như dự án chung cư cao cấp HH9 trong dự án Khu đô thị Starlake Hồ Tây, nếu năm 2018, giá bán chính thức đợt đầu trong khoảng 50 – 65 triệu đồng/m2, thì đến năm 2020, trong đợt chào bán lần cuối, mức giá lên dao động từ 52 - 70 triệu đồng/m2. Điều đáng ngạc nhiên là, đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2024), có những căn hộ tại dự án này, giá đã tăng lên mức 120 triệu đồng/m2, từ chủ đầu tư đã gần như không còn hàng để bán.
Một dự án khác cũng tại Tây Hồ Tây - Heritage West Lake, trên thị trường sơ cấp, giá bán của chủ đầu tư thời điểm mở bán đối với sản phẩm Duplex rơi vào khoảng 192 triệu đồng/m2, đến nay đã tăng phi mã lên tới 220 - 260 triệu đồng/m2, tăng hơn 35%. Theo đó, các căn 2 phòng ngủ tại dự án này có giá thấp nhất 8,2 tỷ, trong khi thị trường thứ cấp chênh thêm 1-3 tỷ. Các căn 3 phòng ngủ giá thấp nhất 13,5 tỷ, thị trường thứ cấp chênh 3-5 tỷ. Đặc biệt, có căn 4 phòng ngủ vừa thiết lập kỷ lục giá bán 48 tỷ đồng.
Có mức giá đắt đỏ là vậy, nhưng để có thể sở hữu một căn tại Heritage West Lake lại không hề dễ dàng ở thời điểm này. Chị Hoàng Anh - một nhà đầu tư hiện đang nhắm đến dự án Heritage West Lake cho biết đã tham khảo và rất ưng một căn Duplex tại đây với giá 220 triệu/m2, tuy nhiên ngay sau hôm được sale tư vấn, căn hộ đã được đặt cọc mua luôn. “Chung cư khu vực này có vị trí đẹp, lại có tính thanh khoản tốt nên vừa tầm giá là khách chốt mua rất nhanh”, chị Hoàng Anh chia sẻ.
Cả nhà đầu tư lẫn khách hàng “End-users” đều đổ về Tây Hồ Tây
Những ngày gần đây, khu vực các phường Xuân La, Xuân Đỉnh, Phú Thượng, Đông Ngạc… thuộc địa bàn quận Tây Hồ liên tục nhộn nhịp bởi môi giới, nhà đầu tư và cả các khách hàng “kỹ tính, nặng hầu bao” đổ về tìm hiểu giá nhà đất. Tại các nền tảng mua bán bất động sản trên mạng, khu vực đất đai Tây Hồ Tây, khu đô thị Nam Thăng Long… cũng luôn đứng Top đầu về các thảo luận, hỏi tìm mua nhà chung cư.
Lý giải về sự nhộn nhịp này, anh Hoàng Phương - chuyên viên kinh doanh của một sàn phân phối bất động sản lớn tại Hà Nội nhận định: “Vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông “tỷ đô", hạ tầng xã hội cùng sự đột phá về quy hoạch đã khiến khu vực phía Tây của Hồ Tây (Hà Nội) được nhiều chủ đầu tư lớn "rót vốn", phát triển các dự án quy mô tầm cỡ, chất lượng. Tất nhiên là các dự án này đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư và cả những khách hàng có nhu cầu ở thực.”
Còn theo chị Ngọc Ánh - trưởng bộ phận quản lý khách hàng ưu tiên (PRM) của một thương hiệu vận hành quốc tế đến từ Thuỵ Sĩ tại khu vực Hà Nội cho hay, nhà đất Tây Hồ Tây sở dĩ tăng giá cao vì khí hậu, môi trường và sự thuận tiện trong công việc rất hợp “khẩu vị” với tệp khách hàng đặc thù mà chị đang “chăm sóc”: “Khách hàng của tôi chủ yếu là người nước ngoài, trong lĩnh vực ngoại giao và quản trị tài chính đa quốc gia hiện đang làm việc tại Hà Nội. Họ rất thích ở khu Tây Hồ Tây nhờ vị trí đa kết nối (tiếp giáp các đường vành đai, gần sân bay Nội Bài, cách trung tâm Ba Đình khoảng 4,5km…), ngoài ra đã nằm trong quy hoạch đồng bộ của các cơ quan Nhà nước nên rất thuận tiện cho công việc đặc thù của họ, chẳng hạn như thông tin về quy hoạch trụ sở bộ ngành của 36 cơ quan Trung ương được di chuyển về Tây Hồ Tây… Đặc biệt, “khách Tây” họ thực sự thích ở gần hồ Tây vì điều kiện an ninh đảm bảo, môi trường trong lành và đã hình thành nên một “nếp sống quốc tế” từ lâu. Do đó, thường khu vực này là lựa chọn đầu tiên khi khách hàng của chúng tôi đề cập tới các chi tiết liên quan đến dịch vụ lưu trú, chỉ khi không còn chỗ, họ mới đồng ý ở tại các khu nội đô như Hoàn Kiếm, Ba Đình. Thực tế là chúng tôi đang phải thường xuyên tìm kiếm và khảo sát giá nhà đất, đặc biệt nhà cao tầng khu vực Tây Hồ Tây. Hiện tại, khu vực này giá đang tăng đột biến, nhưng vẫn khá phù hợp với độ “chịu chi” và nhu cầu tận hưởng không gian ở cao cấp của nhóm khách hàng mà chúng tôi quản lý”.
Không dừng lại tại các đối tượng khách hàng gián tiếp nêu trên, giá nhà đất Tây Hồ Tây cũng được các hộ gia đình (khách hàng end-user) quan tâm đặc biệt. Theo gia đình anh Phúc Khang (hiện đang ở tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, muốn đổi sang ở khu Tây Hồ Tây để thuận tiện cho nhu cầu gia đình đông người, không khí thoáng đãng do gia đình có người cao tuổi), cả tuần này anh chị nhờ môi giới tìm giúp một căn hộ chung cư tầm 4 phòng ngủ, view thoáng rộng, giá tầm 7-8 tỷ, thậm chí chưa cần lấy ngay, nhưng cũng rất khó. Thậm chí hiện một số chủ đầu tư và sàn đã quay sang "om hàng" lại không bán để chờ đợt tăng giá tiếp theo.
Anh Khang chia sẻ: “Gia đình tôi ở ba thế hệ, bố mẹ hiện cũng đã lớn tuổi nên rất có nhu cầu tìm một căn nhà diện tích lớn, có không gian xanh, khuôn viên nội khu thoáng rộng để bố mẹ có không gian hít thở trong lành, rèn luyện mỗi ngày, đồng thời các con tôi cũng có chỗ nô đùa thoải mái. Tôi quyết định chọn Tây Hồ Tây bởi không khí ở đây rất trong lành, ít ô nhiễm hơn hẳn các quận khác trong thành phố, phong thuỷ lại rất tốt, giao thông cũng thuận tiện để di chuyển vào trung tâm… Tuy nhiên dù đã nhờ sale hỗ trợ nhưng nhiều tháng nay chúng tôi vẫn chưa tìm được căn hộ ưng ý, chủ yếu vì lý do giá đang tăng cao lên rất nhiều”.
Có thể thấy hiện tại ở Hà Nội, bất động sản gần Hồ Tây được định giá cao và không ngạc nhiên khi đa số các dự án có mức giá cao nhất thị trường đều nằm gần Hồ Tây. Khi dư địa đất đai khu vực này không còn nhiều, người muốn mua nhà hầu như phải nhắm tới các dự án hiếm hoi đang được triển khai xây dựng.
Bên cạnh giới đầu tư trong nước, một tệp khách hàng “trung thành” chọn Tây Hồ Tây làm nơi cư trú và đầu tư đến từ các quốc gia trên thế giới, do tính chất lịch sử của khu vực này lâu nay vẫn được định danh là “mảnh đất của các công dân toàn cầu”. Mặt khác, trong Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã được Quốc hội thông qua, điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với người nước ngoài.
Các chuyên gia nhận định, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt kiều, người nước ngoài. Đây cũng là động lực cho sự phát triển của thị trường, bởi bất động sản khu vực Tây Hồ Tây luôn được tệp khách hàng này quan tâm. Giá căn hộ Tây Hồ Tây sẽ tiếp tục có sự bứt phá rõ nét trong thời gian tới. Đặc biệt là các dự án được tích hợp đầy đủ tiện ích dịch vụ và sự tham gia của các đơn vị vận hành quốc tế sẽ tiếp tục là điểm đến của cộng đồng cư dân cao cấp, thúc đẩy mặt bằng giá đi lên.