Gia đình ông Nguyễn Văn Chương ở xã Đề Thám thu hoạch thạch đen từ tháng 5/2022 do giá cả thấp không đủ chi phí trồng trọt nên toàn bộ hơn 2 tấn thạch đen nhà ông Chương đến giờ vẫn chưa xuất bán.
“Nhà tôi trồng 8 sào thạch, do giá thạch đen hiện nay chỉ 10.000 đồng/kg, giá rẻ quá không đủ để mua phân bón và các chi phí khác nên gia đình tôi chưa bán”, ông Chương chia sẻ.
Không chỉ ông Chương, nhiều gia đình tại các xã như Kim Đồng, Tân Tiến, Đề Thám… chưa thể tiêu thụ được thạch đen vì không có thương lái hoặc các thương lái, doanh nghiêp thu mua với giá thấp.
Chia sẻ về điều này, bà Trần Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, xã Tân Tiến có 300 ha đất trồng thạch. Đây là cây chủ lực của địa phương nên việc không tiêu thụ được ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bà Giang rất mong các ngành, các cấp tuyên truyền đầu ra cho thạch để bà con yên tâm sản xuất.
Theo thống kê của UBND huyện Tràn Định, toàn huyện hiện có hơn 2.200 ha thạch đen, sản lượng hơn 13.000 tấn/năm. Qua rà soát lượng thạch của người dân trên địa bàn huyện chưa thể tiêu thụ khoảng gần 3.000 tấn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thạch đen gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất hàng qua cửa khẩu phải mất 10-12 ngày mới có thể xuất bán được lô thạch đen. Trong khi đó các chi phí vận chuyển bến bãi rất lớn.
Bên cạnh đó, người trồng thạch vẫn chưa thực hiện đúng các quy định trong khâu thu hoạch, bảo quản. Do đó một số lô thạch đen của các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch xuất bán sang Trung Quốc phải quay đầu do lẫn tạp chất.
Ông Hà Đức Quý, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý cho biết, phía Trung Quốc họ rất nghiêm ngặt trong việc này. Họ có máy móc rất hiện đại, máy quét họ kiểm tra chất lượng sản phẩm của Việt Nam nhập sang rất kỹ.
Theo ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, hiện giờ thạch đen vẫn tiếp tục được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất, thu hoạch cao nên bà con mong muốn bán được giá cao hơn để bù đắp lại.
Vị Chủ tịch huyện cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở chế biến đóng gói. Đồng thời, gặp gỡ các đầu mối thu gom thạch xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên bàn bạc chỉ đạo xã và bà con nông dân thực hiện nghiêm tiêu chuẩn danh mục vật tư được trong quá trình trồng trọt, sản xuất, sơ chế bảo quản làm sao đạt được chất lượng như đối tác đặt hàng,
Có thể nói, vệc thạch đen khó tiêu thụ như hiện nay đang tạo áp lực về kinh tế cho hộ dân nên đề xuất các cấp ngành cần có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thạch đen cho người dân Tràng Định.