Hãng tin CNN cho hay Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chấm dứt hàng thập niên đối mặt nguy cơ giảm phát.
Tại cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 24/1/2025, BOJ đã tăng lãi suất chính sách ngắn hạn từ 0,25% lên 0,5%, mức cao nhất trong 17 năm.
Đây cũng là lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua BOJ tăng lãi suất và lần cuối cùng Nhật Bản có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ gấp rút như vậy là vào năm 1989, tức 36 năm trước.
Nguyên nhân chính của quyết định này là BOJ tự tin sẽ ổn định lạm phát quanh mức mục tiêu 2% trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao.
Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump có thể sẽ áp thuế quan cao hơn cho hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng gây ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ của BOJ.
Chấm dứt "thập kỷ mất mát"?
Theo CNN, sự gia tăng lạm phát trên lại tạo cơ hội cho BOJ nâng lãi suất sau hàng thập kỷ đối mặt nguy cơ giảm phát vì giá cả không chịu tăng dù đã hạ lãi suất xuống mức âm.
Kể từ đầu thập niên 1990, nền kinh tế Nhật Bản đã phải đối mặt "thập kỷ mất mát" (Lost Decades) khi giá cả hàng hóa không thay đổi nhiều do nhu cầu yếu, tăng trưởng giảm tốc dù đã hạ lãi suất.
Sau cuộc khủng hoảng bất động sản và bong bóng chứng khoán cuối thập niên 1990, người dân Nhật Bản hạn chế chi tiêu hơn khiến nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm đến mức để Trung Quốc soán ngôi vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Đây là giai đoạn kinh tế Nhật Bản giảm phát toàn diện.
Trong khoảng 1991-2003, kinh tế Nhật Bản chỉ tăng 1,14% GDP còn trong khoảng 2000-2010 là 1% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế công nghiệp phát triển khác.
Giai đoạn 1994-2024, tổng GDP của Nhật Bản sau khi đã tính lạm phát chỉ tăng ¼ thì tại Mỹ, mức tăng trưởng là gấp đôi cùng kỳ.
Tổng GDP danh nghĩa của Nhật Bản trong khoảng 1995-2003 đã giảm từ 5,33 nghìn tỷ USD xuống chỉ còn 4,21 nghìn tỷ USD.
Hậu quả của nhu cầu yếu khiến doanh nghiệp khó tăng giá bán, cắt giảm việc làm và mức lương, hạn chế đầu tư phát triển công nghệ. Tất cả dẫn đến một vòng lặp luẩn quẩn khi người dân càng hạn chế chi tiêu do giảm thu nhập.
Chính điều này đã khiến Nhật Bản bị tụt hậu so với nhiều nước trong mảng công nghệ, biến những thương hiệu điện tử đình đám một thời rơi vào cảnh nợ nần phải bán mình.
Thậm chí đầu thập niên 2000, Nhật Bản đã phải vật lộn để kéo lạm phát lên mức mục tiêu 2% nhằm tránh giảm phát nhưng chưa thể thành công.
Tuy nhiên sau đại dịch Covid-19 và những tác động của nền kinh tế toàn cầu đang khiến tình hình lạm phát Nhật Bản thay đổi, báo hiệu sự trỗi dậy một lần nữa của cường quốc Châu Á.
Mục tiêu 2%
Hãng tin CNN cho hay động thái nâng lãi suất mới đây của BOJ cho thấy sự triển vọng nâng mức lạm phát đạt mục tiêu 2%.
Việc ngày càng nhiều công ty Nhật Bản cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lương đều đặn trong các cuộc đàm phán lương hàng năm của năm 2025 khiến BOJ tự tin hơn trong việc nâng lãi suất.
Hàng loạt các công ty Nhật Bản đã có mức tăng lương mạnh chưa từng thấy kể từ năm 1991 đến nay.
Đồng Yên đã tăng khoảng 0,5% lên 155,32 Yên đổi 1 USD sau quyết định của BOJ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn hai năm (JGB) cũng tăng lên 0,705%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã tăng lên 3,0% vào tháng 12/2024, mức nhanh nhất trong 16 tháng qua. Chỉ số giá cả tiêu dùng đã vượt mức mục tiêu 2% trong suốt 33 tháng liên tiếp, báo hiệu sự hồi sinh lạm phát tại Nhật Bản.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý, BOJ đã nâng dự báo khi cho rằng lạm phát cơ bản sẽ tăng ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% trong 3 năm liên tiếp.
Việc thiếu hụt lao động trầm trọng, giá gạo tăng và chi phí nhập khẩu cao do đồng Yên yếu là những yếu tố tác động chính đến lạm phát thời gian qua.
"Trong hơn 2 năm, Nhật Bản dường như đã vượt qua giai đoạn giảm phát kéo dài 30 năm bằng những động thái quyết liệt", báo cáo của Société Générale nhận định.
Tuy nhiên Nhật Bản vẫn còn con đường rất dài phải đi để khôi phục vị thế kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính kinh tế Nhật Bản đã suy giảm 0,2% GDP trong năm 2024 và sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay.
*Nguồn: CNN