Lần nâng dự báo lạm phát này của Bộ Thương mại Thái Lan chủ yếu do giá năng lượng tăng khiến chi phí sản xuất và giá hàng hóa tăng theo.
Dự báo mới này dựa trên giả định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 2,5-3,5%, giá dầu thô Dubai ở mức 90-110 USD/thùng và tỷ giá hối đoái 33,5-35,5 baht đổi 1 USD.
Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại thuộc Bộ Thương mại Ronnarong Phoolpipat cho biết, giá năng lượng - vốn chiếm 52,5% lạm phát toàn phần đã tăng liên tục, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá sản phẩm.
Dự kiến, giá năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa do các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraine.
Theo ông Ronnarong, Văn phòng cũng đang theo dõi chặt chẽ tác động của giá điện (chiếm 3,85% lạm phát toàn phần) đối với tình hình lạm phát trong nước.
Bên cạnh đó, dự báo của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho thấy lạm phát sẽ nằm trong khoảng 4,2-5,2% trong năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) dự đoán ở mức 6,2%.
Con số do Văn phòng Chính sách Tài khóa đưa ra là 6,5%, của Ủy ban thường trực hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) là 5,7% và các ngân hàng tư nhân trong khoảng 5,9-6%.
Trước đó, lạm phát toàn phần trong tháng 7/2022 của Thái Lan đã tăng chậm lại ở mức 7,61% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 7,66% trong tháng 6.
Những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát trong tháng 7 là giá năng lượng, thực phẩm và đồ uống không cồn.
Giá năng lượng tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 8,02%.
CPI cơ bản trong tháng 7 (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng) vẫn tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước so với mức 2,51% của tháng 6.