Khủng hoảng năng lượng toàn cầu liệu có còn tiếp diễn trong năm 2023?

Nhật Đức | 16:16 16/01/2023

Năm 2022 sẽ được nhớ đến là một năm khó khăn của ngành năng lượng thế giới khi cuộc chiến Nga – Ukraine tạo nên khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Căng thẳng bùng nổ tạo ra áp lực mới với các nguồn cung năng lượng vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu liệu có còn tiếp diễn trong năm 2023?
Ngành năng lượng năm 2022 bước qua nhiều khó khăn

Giá khí đốt tăng gấp 2 lần từ đầu năm, liên tục thiết lập kỷ lục giá mới trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá dầu mỏ đã có lúc chạm ngưỡng 140 USD/ thùng, giá than đá cũng không ngoại lệ tăng 260% trong năm. Các nước trên thế giới hiện đang phải chật vật chống chọi với những khó khăn từ tác động bởi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Tình trạng giá năng lượng leo thang cùng với áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nền kinh tế nhiều quốc gia rơi vào cảnh suy thoái. Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ tăng cao khiến nguyên liệu sản xuất đắt đỏ hơn, thiếu điện và giá năng lượng tăng cao đưa nhiều doanh nghiệp và nhà máy vào tình trạng phải đóng cửa. Hiệu ứng dây chuyền tạo nên một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.

Trong năm 2022 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) đã liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ tăng lãi suất. Trong cuộc họp hồi đầu tháng 11, Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%. Đây là lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp do Fed đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3/2022. Điều này khiến cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường dầu thô nói riêng nhiều lần chao đảo. Lãi suất tăng khiến cho đồng USD mạnh lên và làm gia tăng cả chi phí kinh doanh hàng thực lẫn giao dịch dầu thô.

Các tác động trên đã gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu, ảnh hưởng trên khắp thế giới từ các nước công nghiệp tiên tiến cho đến các nền kinh tế đang phát triển. Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có đối với thế giới trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa phải bảo vệ môi trường sống đồng thời duy trì sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

brent-10y.png

Giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc ghi nhận mức giá cao chưa từng thấy trong 8 năm.

Trong thời điểm đầu năm 2022, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Sau sự kiện xung đột Nga-Ukraina bùng nổ, giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm ở mức trên 120 USD/thùng. Tương tự, dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, tiệm cận ngưỡng 100 USD/thùng.

Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt ngày 7/12 là 140 euro/MWh (gần 150 USD). Mức giá này một năm trước vào khoảng 95 euro và hai năm trước là khoảng 14 euro. Vào thời điểm tháng 8, giá khí đốt đã có lúc tăng lên mức kỷ lục 340 euro/MWh.

Tại Anh, kể từ ngày 1/10 giá trần điện và khí đốt đã tăng lên từ 80-100%, đồng nghĩa với việc mỗi hộ gia đình sẽ phải chi trung bình gần 4.200 USD mỗi năm cho tiền năng lượng tại đất nước này.

Tương tự tại Đức, từ ngày 1/10/2022 mỗi hộ gia đình cũng sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt, tương đương với việc phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm.

Đối với các hộ gia đình châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế quá rõ nét, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện…

Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân của mình và dần ủng hộ các nguồn cung cấp năng lượng kém thân thiện với môi trường hơn.

Theo các chuyên gia phân tích, dự báo giá dầu năm 2023 sẽ bị tác động mạnh bởi yếu tố nguồn cung năng lượng của Nga ra thị trường sau các lệnh trừng phạt bắt đầu từ ngày 5/12 và tác động của giới hạn giá G7 đi kèm. Ngoài ra, sức phục hồi của thị trường Trung Quốc khi mở cửa sau đại dịch cũng sẽ tác động không nhỏ đến giá năng lượng.

Theo Reuters, Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs (GS) đã hạ dự báo giá dầu năm 2023 do nhu cầu giảm và sức mạnh đồng đô la Mỹ tăng, nhưng Goldman Sachs lại bày tỏ quan ngại về nguồn cung trên toàn cầu nên dự báo tăng giá dài hạn vẫn tiếp tục.

GS đã hạ dự báo trung bình cho năm tới là 110 USD/thùng, ngay cả khi ​​mức thâm hụt thị trường dầu toàn cầu được điều chỉnh theo mùa trong quý 4/2022 và năm 2023. Goldman Sachs cũng đưa ra ​​giá dầu dự kiến có thể tăng lên 125 USD/thùng nếu Trung Quốc chấm dứt các hạn chế từ chương trình Zero Covid.

Về ngắn hạn, giá dầu có thể vẫn biến động, còn đồng đô la Mỹ lại tăng giá mạnh và nhu cầu về dầu giảm ít nhất trong tháng đầu năm 2023. Khó khăn về kinh tế và sự suy giảm tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ là yếu tố giúp giá dầu thế giới giảm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu liệu có còn tiếp diễn trong năm 2023?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO