Phiên sáng nay, 13/1 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,07 USD/thùng xuống mức 78,32 USD/thùng; Dầu Brent tăng 1,36 USD/thùnglên mức 84,03 USD/thùng.
Kết thúc phiên hôm qua 12/1, giá dầu WTI tăng 1,27% lên 78,39 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,39% lên 83,82 USD/thùng.
Giá WTI chỉ giảm nhẹ phiên sáng nay, sau khi tăng mạnh cùng dầu Brent liên tiếp nhiều phiên đã kéo giá dầu lên mốc tăng kỷ lục trong tuần.
Hiện giá dầu chịu sức ép nhẹ trước số liệu lạm phát của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này không đổi so với tháng 11 và tăng 1,8% so với năm ngoái, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,7% so với một năm trước.
Thậm chí, chỉ số trên cũng đang hỗ trợ ngược lại cho giá dầu khi các nhà đầu tư kỳ vọng áp lực lạm phát thấp sẽ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ có nhiều cơ hội hơn để cắt giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu cũng đang được hỗ trợ đà tăng khi thị trường đón nhận số liệu lạm phát đầy tích cực của Mỹ. Chỉ số CPI giảm nhẹ 0,1% so với tháng 11 và mức tăng trưởng theo năm dù vẫn là 6,5%, nhưng đã hạ nhiệt so với tháng trước.
Lạm phát hạ nhiệt củng cố thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất.
Xác suất cho kịch bản Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 1 đã tăng từ 77% lên 95%, hoàn toàn đảo so với kịch bản tăng 50 điểm cơ bản.
Bên cạnh đó, độ rủi ro trên thị trường dầu cũng giảm bớt khi hoạt động giao dịch và thanh khoản được cải thiện hơn trong thời gian gần đây. Theo Bloomberg, số lượng hợp đồng mở đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 11/1.
Hiện giá xăng E5 RON 92 ở ngưỡng 21.350 đồng/lít, xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.
Dầu diesel ngưỡng 21.620 đồng một lít, dầu hỏa ngưỡng 21.800 đồng, dầu mazut ngưỡng 13.740 đồng/kg.