Reuter cho hay, từ tháng 1 đến tháng 9, BYD đã bán ra 1,6 triệu xe hybrid và 1,2 triệu xe chạy pin, trong khi năm ngoái, hơn một nửa doanh số bán ra của hãng dành cho xe chạy pin. Cả năm 2023, BYD mới bán được 1,43 triệu xe hybrid. Trung Quốc là thị trường chính thúc đẩy sự thay đổi này, nhưng sự tăng trưởng đột biến đang hướng tới thị trường quốc tế.
Theo ước tính của CLSA, mặc dù BYD đã xuất khẩu một lượng xe hybrid không đáng kể vào năm ngoái, nhưng trong nửa đầu năm, xe lại chiếm khoảng 40% lượng hàng xuất khẩu.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, việc xuất khẩu xe hybrid sản xuất tại Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi mỗi năm kể từ 2020, vượt 200.000 chiếc vào năm ngoái.
BYD đang có lợi thế lớn từ xu hướng này. Doanh số bán hàng khổng lồ tại Trung Quốc đã biến BYD trở thành nhà bán xe plug-in hybrid lớn nhất thế giới, giúp công ty đạt được quy mô sản xuất lớn và khả năng định giá vượt trội. Là nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới, BYD cũng có thể cung cấp linh kiện giá trị nhất với chi phí thấp hơn.
Thách thức từ chính sách quốc tế
Tuy nhiên, sự gia tăng của xe Trung Quốc cũng tạo ra phản ứng dữ dội. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện. Mỹ đã tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với các loại xe này lên hơn 100%, và Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu áp dụng thêm thuế bổ sung vào ngày 4/10.
Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế nhập khẩu xe hybrid từ Trung Quốc vào đầu tháng 10 này. Hay như Brazil, nước nhập khẩu xe hybrid lớn nhất từ Trung Quốc trong năm 2023, sẽ tăng thuế nhập khẩu lên 35%.
Tập trung vào xe hybrid cũng mang đến những rủi ro khác. Việc sử dụng động cơ đốt trong đang đặt ra câu hỏi về vai trò của xe hybrid trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, và hạng mục này vẫn phải chịu những thay đổi về quy định khi các nền kinh tế trên thế giới cắt giảm lượng khí thải.
Cạnh tranh trong ngành xe hybrid trên toàn cầu
BYD cũng phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh lớn và mạnh mẽ hơn so với các đối thủ trong lĩnh vực xe điện mới nổi. Ở châu Âu, Mercedes và BMW là những nhà dẫn đầu trong thị trường xe hybrid.
Toyota Motor, hãng đã phát triển chiếc xe hybrid sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, Prius, đang chiếm ưu thế tại các thị trường mới nổi. Những đối thủ đáng gờm này tự hào về cơ sở sản xuất nội địa lâu đời và sở hữu thương hiệu vững mạnh.
Hiện tại, những mẫu xe bán chạy mới của BYD vẫn giúp công ty duy trì vị thế mạnh mẽ ngay cả khi nhu cầu xe điện giảm sút. Cổ phiếu của BYD niêm yết tại Hong Kong đã vượt trội hơn so với mức chuẩn trong năm nay, với giá cổ phiếu hiện tại gấp 19 lần lợi nhuận dự phóng, so với 12 lần của toàn ngành, theo thông tin từ LSEG. Tuy nhiên, hãng vẫn có thể gặp phải những khó khăn phía trước.
Bộ thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt những điều kiện nghiêm ngặt đối với việc nhập khẩu xe hybrid cắm điện từ một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.
Thông báo này yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện bao gồm sở hữu 20 cửa hàng dịch vụ được ủy quyền tại bảy khu vực khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu muốn nhập khẩu xe hybrid có thể sạc lại mà không sản xuất trong Liên minh châu Âu hoặc trong các quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ có hiệp định thương mại tự do. Các nhà phân tích cho rằng không một nhà nhập khẩu nào có thể đáp ứng đủ các điều kiện này.
Theo dữ liệu từ Trade Map của Trung tâm Thương mại Quốc tế, Trung Quốc đã xuất khẩu 299.242 xe hybrid trên toàn cầu trong bảy tháng đầu năm, cao hơn 217.320 xe hybrid mà nước này đã xuất khẩu vào năm ngoái. Lượng xe hybrid xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 95% trở lên mỗi năm kể từ năm 2020.
Tham khảo: Reuters