Khối ngoại rút ròng mạnh
Sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng rút ròng mạnh khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ giải ngân hơn 830 tỷ đồng nhưng bán ra gần 2.700 tỷ đồng, khiến giá trị rút ròng lên đến 1.900 tỷ đồng – mức cao nhất trong gần ba tháng qua.
Áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó TPB của TPBank bị bán ròng hơn 22 triệu đơn vị, MBB bị bán hơn 15,5 triệu cổ phiếu mà không có lực mua vào. Các mã như SSI, MWG, SHB cũng chịu áp lực bán mạnh.
VN-Index đang dao động với biên độ tối đa 7% so với mức đóng cửa phiên trước. Điều này đồng nghĩa chỉ số có thể giảm tối đa 92 điểm, từ 1.317 xuống 1.225 điểm.
Kết phiên giao dịch sáng, VN-Index đã mất hơn 82,28 điểm, tương ứng 6,24%, lực bán vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Toàn thị trường chỉ còn 8 mã tăng giá trong khi có đến 496 mã giảm, 175 cổ phiếu mất hết biên độ, bao gồm nhiều mã lớn như MSN, MWG, BCM, BVH, GVR, VRE, SHB và TPB.
Trong khi đó, L10 của Lilama 10 – một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo kết cấu thép và thiết bị – là cổ phiếu duy nhất tăng trần lên 23.150 đồng. Một số mã khác như DTL, YBM, TCR duy trì mức tăng trên 5%.
Thanh khoản thị trường đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với cả phiên hôm qua. Sáu cổ phiếu có thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng gồm MBB, STB, HPG, TCB, SSI và FPT.
Chứng khoán châu Á lao dốc
Không chỉ Việt Nam, thị trường chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei mất 3,9%, rơi xuống mức thấp nhất trong tám tháng do nhóm cổ phiếu vận tải biển, ngân hàng, bảo hiểm và xuất khẩu chịu áp lực lớn.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 2%, trong khi quỹ ETF Van Eck của Việt Nam lao dốc hơn 8% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Thị trường Úc cũng giảm 2%.
Tại Trung Quốc, thị trường Đài Loan đóng cửa nghỉ lễ, nhưng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế chạm mức thấp nhất trong hai tháng trước khi thị trường nội địa mở cửa.
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tám tháng, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh 14 điểm cơ bản xuống 4,04%, mức thấp nhất trong năm tháng, do nhà đầu tư dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.