Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch xác lập nhiều kỷ lục khi áp lực bán mạnh đè nặng lên toàn thị trường. VN-Index đóng cửa với mức giảm 88 điểm (-6,68%) qua đó lùi xuống dưới 1.230 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử của VN-Index tính theo số tuyệt đối. Vốn hóa toàn thị trường cũng theo đó giảm hơn 500.000 tỷ, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng.

Theo thống kê, chứng khoán Việt Nam đã trải qua tổng cộng 15 phiên giảm trên 50 điểm kể từ khi đi vào hoạt động năm 2000. Các phiên giảm mạnh tính theo số tuyệt đối chủ yếu xảy ra trong giai đoạn từ 2020 đến nay. Với những phiên giảm mạnh như thế này, thị trường chứng kiến hàng trăm cổ phiếu nằm sàn la liệt, thậm chí trắng bên bán.
Trong phiên 3/4 vừa qua, áp lực bán thao rất mạnh đẩy gần 1.100 mã giảm điểm, trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn. Thanh khoản đẩy lên cao kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên HoSE vượt 38.000 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh đạt gần 1,8 tỷ cổ phiếu. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị khớp lệnh lên đến hơn 42.000 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá chính xác tác động của chính sách thuế Mỹ mới công bố đến Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán. Thêm nữa, Chính phủ Mỹ cũng bỏ ngỏ về khả năng đàm phàn để thay đổi mức thuế áp dụng.
Đánh giá sơ bộ về tác động của chính sách thuế quan này đến Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm GĐ SSI Research cho rằng, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán. Điều này có nghĩa là các mức thuế không phải là mãi mãi và có thể giảm xuống rất nhanh.
Theo đánh giá của Kinh tế trưởng SSI, trong báo cáo 400 trang USTR công bố trước đó, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá chính sách thương mại của Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều. Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng ngắn hạn là có nhưng đàn phán giữa 2 quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%.
Về thị trường chứng khoán, Kinh tế trưởng SSI cho rằng, định giá hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuộc chiến thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E VN-Index ở mức 23-24. Vì thế, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% và yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.
Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn.
Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ như Việt Nam (46%), Trung Quốc (34%), Nhật Bản (24%), và EU (20%).
Việc thực hiện bao gồm 2 đợt: 10% cho thuế quan cơ bản vào ngày 5/4, sau đó là mức thuế riêng cho từng quốc gia vào ngày 9/4.