Những bàn tay chen lấn xung quanh một cái chậu kim loại lớn khi nhào nặn hàng cân củ cải thái sợi cùng hành lá và hỗn hợp cay nồng của ớt đỏ, tôm muối, gừng và tỏi. Lắc lư theo điệu nhạc K-pop, Irene Yoo nói khi nếm thử hỗn hợp gia vị trong chậu kim chi: “Việc này được làm nhanh hơn rất nhiều khi mọi người cùng tham gia”. Cô mô tả tinh thần của buổi làm kim chi là heung, một từ tiếng Hàn nói về năng lượng tập thể, niềm vui và sự gắn kết.
Những người gieo mầm văn hóa truyền thống nơi đất khách
Yoo, 36 tuổi, là nhà văn và cũng là người tập hợp các công thức nấu ăn người Mỹ gốc Hàn. Cô đã chủ động tổ chức bữa tiệc Tết Nguyên đán tại một căn hộ ở Brooklyn với các bạn. Bất chấp việc kim chi và các món ăn truyền thống khác của Hàn Quốc được bán đầy rẫy ở các siêu thị, nhóm của Yoo vẫn muốn tự làm để tận hưởng hương vị truyền thống.
Tết Nguyên đán khác nhau ở các nền văn hóa Á Đông. Thậm chí, có những phong tục đón Tết khác nhau giữa chính các vùng miền của một quốc gia. Tuy nhiên, Tết được xác định là ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch. Năm nay, mùng 1 Tết rơi đúng vào ngày 22/1.
Trong trí tưởng tượng của nhiều người Mỹ, hình ảnh những phong bao lì xì màu đỏ và những màn múa lân, múa rồng có thể là những gì đặc trưng nhất của Tết. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là một phần trong nền văn hóa Á Đông đa dạng.
Với sự gia tăng mạnh mẽ của cộng đồng người gốc Á tại Mỹ cùng với sự hiện diện ngày càng lớn của họ trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả chính trường, một số thành phố ở Mỹ đã coi đây là ngày nghỉ chính thức. Năm 2015, các trường công lập ở thành phố New York cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, California chính thức ghi nhận đây là một ngày lễ trên quy mô toàn tiểu bang.
Trong khi đó, dù với phong tục khác nhau, đặc trưng khác nhau nhưng yếu tố cốt lõi nhất của Tết Nguyên đán vẫn là sự xum vầy bên mâm cơm của gia đình. Đôi khi, những bữa tiệc đón Tết có thể có hàng chục người cùng tham dự, điều khiến các gia đình phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đón tiếp.
Và chính hình ảnh những người mẹ, người bà tảo tần, thức khua dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho dịp lễ đoàn viên đã gieo vào lòng thế hệ người gốc Á trẻ tuổi một dấu ấn sâu đậm. Và theo một cách rất tự nhiên, nó trở thành ADN, trở thành khuynh hướng mà những người trẻ tuổi luôn hướng tới.
Vượt qua thách thức để giữ gìn nguồn cội
Jiyoon Cha, nhà thiết kế đồ họa 32 tuổi, luôn bồi hồi, xúc động khi nhớ lại hình ảnh bà cô và những người bạn của bà nấu các món ăn khác nhau rồi chia sẻ cho nhau trong ngày Tết. Lớn lên ở Hàn Quốc rồi chuyển tới sống tại Virginia, nơi gia đình cô không có nhiều họ hàng, Cha luôn khao khát được tìm về với hương vị Tết của ngày xưa.
“Cuộc sống ở một thành phố lớn và văn hóa tôn sùng chủ nghĩa cá nhân tới mức cực đoan ở Mỹ có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn”, Cha, người gần đây tổ chức một bữa tiệc với 20 người trên sân thượng căn hộ của cô tại Brooklyn, chia sẻ. “Tôi cảm thấy mình thực hiện được mong ước khi có một cộng đồng cùng chung tay nấu nướng”.
Đối với Sarah Catlow, chuyên gia phân tích dữ liệu 31 tuổi chuyển tới sống ở Mỹ từ khi còn nhỏ, nói rằng việc nuôi dưỡng đam mê ẩm thực truyền thống là cách để cô tôn trọng gốc gác của mình, một người Mỹ gốc Hàn. Cô cũng dành nhiều thời gian để học những “bí kíp” nấu ăn từ mẹ, người lớn lên từ cái nôi ẩm thực Jeolla, Hàn Quốc.
“Cần rất nhiều nỗ lực để duy trì, tôn vinh và thực hành văn hóa đặc biệt là với một người nhập cư, sống trong xã hội không đề cao việc đó”, Catlow chia sẻ và nói rằng, để giữ gìn được văn hóa, đó thực sự là một hành trình không hề bằng phẳng, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết.
Bên cạnh đó, các cộng đồng người gốc Á cũng tổ chức nhiều sự kiện nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn văn hóa nguồn cội tới với thế hệ trẻ và ngay cả những người bản địa quan tâm. Trong khi đó, Tết Nguyên đán cũng là dịp để những người trẻ tuổi được “đắm chìm” trong hương vị của những món ăn truyền thống khi quây quần với người thân và bạn bè.
Món bánh chưng của Việt Nam có thể là ví dụ. Việc chuẩn bị công phu, gói ghém tỉ mẩn và thời gian luộc kéo dài khiến mọi người thường chỉ làm bánh trong dịp Tết. Tuy nhiên, cũng chính bởi sự kỳ công của món “đặc sản” này, mọi người sẽ có cơ hội để gần gũi với nhau hơn trong quá chình chuẩn bị và chế biến.
Ngoài ra, những hoạt động tôn vinh truyền thống Á đông ở nơi “đất khách quê người” cũng mở ra cánh cửa gắn kết với mọi người, đặc biệt là những người mới rời xa quê hương. Đó cũng là nơi những cộng đồng được hình thành, được vun đắp và khẳng định được vai trò trong đời sống tinh thần của những con người xa xứ.
Cô Yuna Kim, 45 tuổi đã chuyển đến Bắc Carolina vào cuối mùa hè năm ngoái từ New Jersey. Đổi chỗ ở cũng đồng nghĩa với việc Kim khó có thể duy trì kết nói với cộng đồng của mình. Trước tình cảnh này, cô đã kết nối được với 9 gia đình người Mỹ gốc Hàn khác mà họ tình cờ gặp gỡ. Việc là đồng hương giúp họ kết nối với nhau dễ dàng hơn.
Và họ cùng nhau làm rất nhiều món ăn truyền thống. Các hướng dẫn, nếu học không nhớ hoặc chưa từng làm, có thể dễ dàng được tìm thấy trên Internet. Và họ có nhiều các khác nữa để duy trì tuyền thống của dân tộc. Một trong số đó là “gọi điện thoại cho người thân”. Và nhiều cuộc gọi trong số đó đã khiến các đáng sinh thành kinh ngạc và phải thốt lên rằng: “Con làm gì thế? Để mẹ mua rồi gửi cho con một ít nhé”.
Tham khảo: New York Times