Nga âm thầm gom bạc?
“Bạc đang dần thoát khỏi cái bóng lớn của vàng – thứ kim loại quý ‘ruột thịt’ với bạc. Có những dấu hiệu cho thấy một phía mua mới với quy mô lớn – Ngân hàng Trung ương Nga – đã bắt đầu tác động đến thị trường. Giá bạc hiện đã vươn lên mức cao nhất trong 14 năm qua”, bài viết cho hay.
Dù dữ liệu chính thức còn thiếu, bài viết cho rằng xu hướng tăng của bạc đã vượt mặt vàng kể từ khi Nga tuyên bố vào cuối tháng 9 rằng nước này có kế hoạch đưa bạc vào Quỹ Dự trữ Quốc gia – lần đầu tiên trong lịch sử.
“Một phần lý do khiến bạc tăng 30,6% từ đầu năm đến nay – so với mức tăng 27,5% của vàng – đơn giản là vì bạc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với vàng, vốn đã là ‘ngôi sao’ của thị trường hàng hóa trong ba năm qua,” bài viết nhận định. “Thị trường vàng dường như đang chững lại, sau khi đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2022, được thúc đẩy ban đầu bởi lực mua từ các ngân hàng trung ương, sau đó là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.”
“Bạc thì khởi đầu chậm hơn, do thiếu vắng những người mua lớn như ngân hàng trung ương hay các quỹ ETF giàu tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Trung ương Nga thực sự đang âm thầm tích lũy bạc – như nhiều bằng chứng cho thấy – thì khả năng các ngân hàng trung ương đồng minh với Nga sẽ nối gót là hoàn toàn có thể xảy ra.”

Bài viết của Forbes cũng đặt giả thuyết rằng các đối tác trong nhóm BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có thể đang đồng hành cùng Nga trong chiến lược tích trữ kim loại quý – một phần trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế.
Một phần trong kế hoạch của BRICS là tích lũy vàng để từng bước loại bỏ đồng USD, tuy nhiên với giá vàng hiện đã ở gần mức đỉnh lịch sử, chiến lược này trở nên vô cùng tốn kém. Bạc – từ lâu đã được xem là lựa chọn thay thế cho vàng, thậm chí bị gọi là ‘vàng của người nghèo’ – có thể là công cụ giúp các quốc gia BRICS tiếp tục thúc đẩy mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.
Bạc “lên ngôi” nhờ nhu cầu tăng mạnh
Ngoài các yếu tố địa chính trị như động thái âm thầm gom bạc của Ngân hàng Trung ương Nga, thị trường bạc hiện còn được hỗ trợ bởi nhu cầu công nghiệp bền vững – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh và điện tử – cũng như vai trò thay thế vàng trong ngành trang sức tại những thị trường mà vàng trở nên quá đắt đỏ.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất hiện nay đang chi phối thị trường bạc dường như là nhu cầu đầu tư. Kim loại này ngày càng được xem như một sự thay thế cho vàng – tương tự như bạch kim, một kim loại quý khác đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư và ghi nhận mức tăng giá ổn định.
Tỷ lệ giá vàng/bạc – một thước đo không chính xác tuyệt đối nhưng vẫn thường được dùng để đánh giá tương quan giữa hai kim loại quý đang cho thấy những dấu hiệu mới. Trong lịch sử, tỷ lệ này dao động quanh mức 65 – tức một ounce vàng có giá trị khoảng 65 lần một ounce bạc. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ đã lên tới 88, cho thấy bạc đang bị định giá thấp so với vàng.

Dù không phải ai cũng còn coi tỷ lệ vàng:bạc là công cụ hữu hiệu để so sánh giá trị giữa hai kim loại, bài viết cho rằng “sự xuất hiện của một nhóm người mua hoàn toàn mới trên thị trường có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.”
“Không có thêm thông tin nào được công bố kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nga năm ngoái tuyên bố sẽ bổ sung bạc vào kho dự trữ kim loại quý – vốn trước đó chủ yếu là vàng và bạch kim,” bài viết lưu ý. “Tuy nhiên, việc giá bạc gần đây vượt trội hơn vàng có thể là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đang bắt đầu tăng cường hoạt động trên thị trường bạc.”
Lý do Nga chi hơn 500 triệu USD tăng dự trữ kim loại quý
Ngày 30/9/2024, Chính phủ Nga công bố kế hoạch chi tới 51 tỷ rúp (tương đương 535,5 triệu USD) trong ba năm tới nhằm tăng cường lượng kim loại quý dự trữ quốc gia.
Thông tin này xuất phát từ một mục chi ngân sách trong Dự thảo Ngân sách Liên bang Nga được công bố cùng ngày. Dù vàng vẫn là trụ cột trong danh mục dự trữ ngoại hối, bản đề xuất cho thấy Nga đang hướng đến việc mở rộng danh mục này, bao gồm cả bạc và các kim loại nhóm bạch kim.
“Việc hình thành kho dự trữ kim loại quý tinh luyện trong khuôn khổ Quỹ Dự trữ Quốc gia Liên bang Nga sẽ giúp đảm bảo ngân sách liên bang cân bằng, phát triển kinh tế ổn định, đồng thời đáp ứng nhu cầu công nghiệp trong trường hợp khẩn cấp,” Interfax dẫn nguồn Bộ Tài chính Nga cho hay.
Dự thảo ngân sách không nêu chi tiết về chương trình thu mua cụ thể, song nhiều chuyên gia nhận định việc bạc được đưa trở lại danh mục dự trữ ngoại hối có thể khơi dậy sự quan tâm mới từ giới đầu tư, đồng thời định vị lại bạc như một tài sản tiền tệ chính thống.
Từ giữa thế kỷ 19, các ngân hàng trung ương thế giới đã ngừng tích lũy bạc, và tiêu chuẩn bạc chính thức cũng bị loại bỏ vào đầu thập niên 1870.

Dù vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng, thay vì mục tiêu tiền tệ, động thái của Nga có thể thiên về mục đích chiến lược – đảm bảo nguồn cung cho các nhu cầu công nghiệp trong tương lai, nhất là khi bạc ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, điện tử và y tế.
Willem Middelkoop – nhà sáng lập quỹ Commodity Discovery Fund và cũng là một trong những người đầu tiên chú ý đến động thái của Nga – nhấn mạnh rằng, dù 60% nhu cầu bạc đến từ các ứng dụng công nghiệp, nhà đầu tư không nên hoàn toàn xem nhẹ vai trò tiền tệ của kim loại này.
Thách thức phương Tây
Không chỉ âm thầm gom bạc, Nga có thể đang theo đuổi mục tiêu sâu xa hơn: thách thức hệ thống giao dịch kim loại quý hiện hành, vốn lâu nay do các sàn phương Tây như COMEX chi phối.
“Chắc chắn Nga cũng nhận thức được việc giá bạc đang bị thao túng qua các hợp đồng tương lai trên COMEX,” chuyên gia Willem Middelkoop nhận định với Kitco News. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Nga cũng có động cơ tiền tệ trong chiến lược này – như gây sức ép lên hệ thống bạc ‘giấy’.”
Bên cạnh mục tiêu xây dựng kho dự trữ chiến lược, các nhà phân tích cho rằng việc thu mua sản lượng kim loại nhóm bạch kim (PGMs) trong nước còn là động thái hỗ trợ ngành khai khoáng, nhất là sau khi Nga đã bán hết kho PGM dự trữ hồi năm 2012.
Vấn đề đối với BRICS cũng đang trở thành yếu tố then chốt. Ngày 24/10 – chưa đầy một tháng sau khi Nga công bố kế hoạch lập kho dự trữ bạc và PGM – Moscow đề xuất các nước thành viên BRICS nên thành lập sàn giao dịch kim loại quý riêng. Nếu được thực hiện, sáng kiến này có thể làm lung lay cơ chế định giá quốc tế truyền thống vốn do các trung tâm tài chính phương Tây kiểm soát.
Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thông qua tuyên bố chung ngày 23/10, trong đó ủng hộ việc tăng cường trao đổi kim loại quý giữa các thành viên trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng thống nhất.
Ngay hôm sau, Bộ Tài chính Nga phát đi tuyên bố chính thức:
“Việc tạo lập một cơ chế giao dịch kim loại trong khối BRICS sẽ giúp hình thành một môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường,” thông cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết cơ chế này sẽ bao gồm: công cụ xác lập chỉ số giá kim loại, tiêu chuẩn hóa trong sản xuất và giao dịch thỏi kim loại, quy trình công nhận thành viên thị trường, hệ thống thanh toán bù trừ và kiểm toán nội khối BRICS.
“Các quốc gia tham gia sẽ có được một nền tảng giao dịch ổn định, đáng tin cậy ngay trong nội bộ khối,” ông nói thêm.
Bộ Tài chính Nga kỳ vọng rằng Sàn Giao dịch Kim loại Quý BRICS trong tương lai sẽ trở thành “cơ quan điều tiết giá kim loại quý chủ chốt toàn cầu”.
Tham khảo Kitco, Forbes