Khổ như mua sắm công: Cứ mua sắm đúng luật nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc lại hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan?

PV (TH) | 12:12 09/11/2022

“Hệ thống nhà thuốc trước 1975 thống nhất từ bán sỉ tới bán lẻ có tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 20%. Còn hiện nay không có quy định gì cả, trong khi đây mới là vấn đề cốt lõi nhưng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không đưa ra”, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.HCM thẳng thắn.

Khổ như mua sắm công: Cứ mua sắm đúng luật nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc lại hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan?
Ảnh minh họa.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo ghi nhận tại tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, đa số các ý kiến đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi hai luật này.

"Nói là giá cao thì như thế nào là cao thì lại không có quy định"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn; khi đọc Luật Giá sửa đổi tôi có cảm giác dự án luật này là “chung chung”. Quay đi quay lại vẫn là chúng ta lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu cho kê khai giá. Nhà nước xem xét giá kê khai có phù hợp hay không, doanh nghiệp khi áp dụng phải niêm yết giá…. nhưng cách làm này không ổn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói; Trong thực tế khi xảy ra chuyện, nhiều vụ án chúng ta kết tội doanh nghiệp ăn lời cắt cổ, ăn trên xương máu của người dân như vụ kit test (Công ty Việt Á) vừa rồi... nhưng thử hỏi chúng ta có căn cứ nào để xử phạt không? Nói là giá cao thì như thế nào là cao thì lại không có quy định.

071120220531-dsc_7804.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.HCM

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu chúng ta đã có ý định để nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số như thế nào là cao. Quy định cụ thể con số để tránh những việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan...

“Theo tôi, nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần giá nhập hải quan cũng không thể nói là đắt được”, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Giá nên quy định rõ tỷ suất, biên độ lợi nhuận với một số những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, xăng dầu, lương thực thực phẩm như gạo... Chỉ quy định rõ ràng ra như vậy mới tránh được trường hợp đầu cơ, tăng giá không phù hợp.

“Hệ thống nhà thuốc trước 1975 thống nhất từ bán sỉ tới bán lẻ có tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 20%. Còn hiện nay không có quy định gì cả, trong khi đây mới là vấn đề cốt lõi nhưng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không đưa ra”, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn.

Hiện nay là doanh nghiệp được tự kê khai giá và Nhà nước duyệt. Nhưng vấn để ở đây là Nhà nước căn cứ vào cái gì để duyệt?. Không biết căn cưa vào cái gì nhưng cứ duyệt sau nếu dư luận kêu ầm ầm lên cái này đắt, cái kia rẻ lại lôi các chuyên viên, người có trách nhiệm duyệt giá ra xử lý, nhưng thực sự họ cũng không có gì làm cơ sở.

Cần bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Quốc hội có nghiên cứu sự hợp nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với dự thảo Luật này để không bỏ sót các trường hợp trong thực tiễn phát sinh, tránh khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu rà soát lại các trường hợp có đất công mà địa phương thấy đủ điều kiện để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Dự thảo Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Đất đai chưa quy định cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhiều mục đích trên khu đất công: mục đích kinh doanh, mục đích công cộng, ví dụ như bố trí một phần dự án để làm bến xe buýt.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, hiện nay không có cơ sở để xác định thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hay đánh giá, do đó đề nghị cần có nghiên cứu quy định về trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Luật Đất đai và thủ tục đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu để triển khai các nội dung trên.

Về một số nội dung của dự thảo liên quan đến Luật Đầu tư, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa hai luật và cần lấy ý kiến thêm của các tỉnh để không bỏ sót các trường hợp và không gây mâu thuẫn khi đã ban hành.

Dự thảo Luật lần này bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu. Mặc dù việc mở rộng chỉ định thầu có thể góp phần rút ngắn thời gian đấu thầu, nhưng về lâu dài không tạo ra tính cạnh tranh công bằng, minh bạch của thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chỉ định thầu trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách.

Về hình thức mua sắm trực tiếp, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị giữ nguyên như quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 để tạo sự chủ động, kịp thời trong việc mua sắm, bổ sung hàng hóa, đặc biệt là mua thuốc, vật tư y tế. Đồng thời tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cố tình áp đơn giá cao hơn trong mua sắm trực tiếp.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức: Trước tình trạng thiếu thuốc, gặp khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề nghị Ban soạn thảo có một chương riêng về đấu thầu y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này.

Hiện Dự thảo Luật lần này chỉ quy định đấu thầu về thuốc rõ ràng, còn 2 vấn đề lớn của ngành y là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế thì dự thảo chưa quy định rõ nội dung này.

Vật tư y tế tiêu hao gồm các thiết bị sử dụng kèm theo các máy móc như máy siêu âm, máy thở, máy CT…; và vật tư y tế tiêu hao sử dụng cho người bệnh như kim tiêm, găng tay, máy tạo nhiệt, sten… Đại biểu Nguyễn Trí Thức nêu rõ, ngân sách tài chính chi trả cho vật tư y tế tiêu hao rất lớn, gồm nhiều vât tư hiện đại. Vật tư y tế tiêu hao mang tính chất độc quyền cao, do đó đề nghị cần có quy định rõ về đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao.

Liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế như mua sắm các máy móc lớn như máy CT, máy MRI, máy xạ trị, máy siêu âm hoặc máy thở … Đại biểu Nguyễn Trí Thức cho rằng, nhân dịp Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này thì cần đưa ra một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế gồm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế để kịp thời giải quyết các tình huống khó khăn trong ngành y tế thời gian qua.

Ngoài ra, dự thảo Điều 4 khoản 26 đinh nghĩa về hàng hóa, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề nghị tách đinh nghĩa về “hàng hóa y tế” riêng, không chung với định nghĩa hàng hóa thông thường, vì đây là là hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người bệnh.

Đại biểu cũng cho rằng, hình thức dễ sinh ra tiêu cực nhất là hình thức chỉ định thầu, do đó cần quy định việc chỉ định thầu càng chi tiết càng tốt. Ví dụ Điều 19 khoản b, đề nghị Ban soạn thảo thêm “tình huống cấp bách”, giải thích như thế nào là “sự cố bất khả kháng”, như thế nào là “cấp cứu”, và quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định này là cấp cứu phải mua ngay để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá. Đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả đấu thầu, trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng.

Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định đấu thầu thuốc phải xây dựng giá kế hoạch, không được lấy giá trúng thầu năm nay làm giá kế hoạch năm sau, phải có căn cứ nghiên cứu dựa trên giá thị trường như thế nào, chỉ số trượt giá cũng như các yếu tố tác động để tránh tình trạng chỉ có thuốc rất rẻ mới tham gia đấu thầu được.

Đối với vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là những thứ không thể thiếu của bệnh viện và liên quan đến sinh mạng của người dân nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Do vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất, và đấu thầu không thể tránh được tiêu cực nên cần cân nhắc yếu tố lợi - hại như thế nào và cần những cơ chế ràng buộc trong việc tự chủ bệnh viện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khổ như mua sắm công: Cứ mua sắm đúng luật nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc lại hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2 - 3 lần giá nhập hải quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO