"Khó có thể nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng"

Hoàng Đàn | 00:41 15/11/2021

Trong phần trả lời đại biểu Quốc hội vừa qua về việc đề nghị nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc này rất khó và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

"Khó có thể nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng"
Việc giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn đã giúp duy trì dòng tiền cho khách hàng vay.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu. Do đó cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lấy dẫn chứng, cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003-2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn, có nghĩa là người vay dưới chuẩn.

Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Do đó, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp, người về vốn Ngân hàng Nhà nước đang đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các ​giải pháp về tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động tiêu cực bởi đại dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho khách hàng từ 23/1/2020 đến hết tháng 10/2021 là khoảng 550.000 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021 tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Doanh số cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch từ 23/1/2020 đến hết tháng 10/2021 đạt trên 7 triệu tỷ đồng với hơn 1,2 triệu khách hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thêm, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện nhằm đảm bảo đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách, gây rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Việc giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn đã giúp duy trì dòng tiền cho khách hàng vay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Khó có thể nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO