Những con số trên được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 Nhóm các tổ chức hội viên là tổ chức trung gian thanh toán và công nghệ tài chính (Fintech).
Hơn 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện có trên 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Đang có khoảng trên 80.000 điểm QR code thanh toán, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai.
Kết quả giao dịch qua các dịch vụ trung gian thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,77% về số lượng, 42.60% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, 91,57% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,10% về số lượng, 78,09% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,66% về số lượng, 16,94% về giá trị.
Trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng và 3.000% về giá trị.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet banking là gần 325,41 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 17.067,08 nghìn tỷ đồng, tăng 62,50% về số lượng và 32,03% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự số lượng giao dịch tài chính qua kênh mobile banking đạt gần 862,83 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 10.515,13 nghìn tỷ đồng, tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, từ đầu năm 2021, các ngân hàng đưa ra khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ tiền phí dịch vụ và ưu đãi dưới dạng hoàn tiền, tận dụng chuyển biến tích cực thói quen thanh toán từ dịch Covid-19.
Thanh toán di động vẫn còn bị vướng pháp lý
Đại diện Công ty TNHH TMDV Mạng lưới thông minh (Smartnet) cho biết, các doanh nghiệp trung gian thanh toán và Fintech. Đang mong chờ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox. Cùng với đó, việc sửa đổi 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cần triển khai nhanh để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho trung gian thanh toán phát triển.
Còn đại diện Công ty cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng thì cho rằng, cơ chế sandbox đến nay chưa có thêm bước tiến mới trong khi doanh nghiệp chờ đợi hành lang pháp lý cho blockchain, crypto, P2P Lending…
Nếu không có hành lang thì doanh nghiệp không dám làm, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro nhưng nếu không làm sớm thì chậm chân.
Người của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, việc xác thực điện tử (eKYC) thông qua trung gian có thể có rủi ro rơi vào vùng xám pháp lý.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần làm rõ các vấn đề này để các tổ chức có thể tiếp cận, triển khai thúc đẩy ví điện tử phát triển.