Nguồn kinh phí để mua lại các dự án này sẽ lấy nguồn từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững vững trên cơ sở gói hỗ trợ này được bố trí vốn tới năm 2025.
Chi tiền mua lại dự án BOT
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, có 7 công trình BOT dự kiến được mua lại gồm:
Dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới, giá hoàn trả cho chủ đầu tư là 3.097 tỷ đồng; Dự án BOT xây dựng mới Quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 26 qua Khánh Hòa, Đắk Lắk, giá hoàn trả 550 tỷ đồng; Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 tránh phía Đông và phía Tây thành phố Thanh Hóa, phí hoàn trả là 741 tỷ đồng; Dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 đến km 1.736, phí hoàn trả 706 tỷ đồng; Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ, phí hoàn trả là 587 tỷ đồng. Dự án BOT cầu Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, phí hoàn trả 1.466 tỷ đồng; Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2, phí hoàn trả là 2.280 tỷ đồng.
Với 7 dự án BOT không thu phí hoàn vốn được do những nguyên nhân khác nhau nên đề nghị sử dụng 9.427 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 hoàn trả cho nhà đầu tư BOT.
Việc hoàn trả phải thực hiện sớm trong năm 2021-2022 để không bị đội kinh phí theo thời gian do các doanh nghiệp BOT này tiếp tục phải chi trả lãi vay.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn đề nghị bố trí 9.628 tỷ đồng cho một dự án vốn ODA cần chuyển đổi sang vốn trong nước để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 30 qua Tiền Giang và Đồng Tháp đã dừng theo nghị quyết của Quốc hội.
Riêng với những dự án có thể hoàn thành vào năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bố trí 17.582 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình cho 3 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA chuyển sang sử dụng vốn trong nước và 18 dự án là điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông.
Với nhóm các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, bố trí 97.236 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình gồm 3 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh, các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và 4 dự án đường cao tốc khác.
Còn nhóm các dự án phải chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bố trí 65.659 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình chủ yếu cho các dự án đường cao tốc, trong đó, có 7 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Cảnh báo các ngân hàng cho vay BOT
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi cảnh báo đến cá ngân hàng thương mại cho vay lĩnh vực BOT. Đây là lĩnh vực mà các nhà băng đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Theo quan sát, giai đoạn 2011 – 2015 là thời kỳ bùng nổ của các dự án BOT và hai nhà băng lớn là BIDV và VietinBank đứng đầu trong danh sách dư nợ tín dụng lĩnh vực BOT.
Như BIDV, hiện nay nhà băng này đang cho vay 33 dự án BOT với tổng dư nợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Con số này chiếm 25% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng đang có trong lĩnh vực BOT.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tinh đến ngày 30/6/2021, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT giao thông khoảng 105.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tín dụng BOT giao thông thời gian qua tăng gấp 4 lần tỷ lệ nợ xấu chung của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.
Báo cáo của các ngân hàng cho thấy, có hơn 50% dự án BOT do các tổ chức tín dụng tài trợ vốn có doanh thu phí không đạt nhu kế hoạch tài chính xây dựng khi vay vốn.
Đây chính là khoản nợ xấu tiềm ẩn mà các ngân hàng đang đối diện.
Câu chuyện cho vay dự án BOT không còn nóng khi liên tục có những cảnh báo về rủi ro tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, từ năm 2016 đến nay chỉ ghi nhân 2 dự án BOT tiếp cận được vốn từ các nhà băng.
Chia sẻ với Markettimes, một chuyên gia tài chính lưu ý, nếu nhìn lại các dự án BOT sẽ khó tìm ra được bóng dáng của nhà đầu tư tư nhân nào có tiềm lực thực sự. Điều đó cho thấy đầu tư BOT không phải là lĩnh vực hấp dẫn, không phải là lĩnh vực dễ sinh lời.
Thực tế là các “tên tuổi” đầu tư vào BOT đều đang ôm những khoản nợ lớn.
Do đó, đã đến lúc cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, có năng lực thực sự đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông để san sẻ gánh nặng với đầu tư công.