Đô la Mỹ vẫn vẫn chiếm ưu thế trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu, nhưng tỷ trọng đã giảm từ hơn 70% vào năm 2000 xuống còn khoảng 55% vào quý 4/2023, theo dữ liệu của IMF.
Các ngân hàng trung ương đang “dịch chuyển dần” khỏi đồng đô
Tỷ trọng của đồng đô la vẫn lớn hơn so với ba loại tiền tệ chính khác trên thế giới, bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.
Tuy nhiên, tỷ trọng của “đồng tiền dự trữ phi truyền thống” đã tăng lên, theo IMF. Chúng bao gồm đồng đô la Úc, đô la Canada, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc, đô la Singapore và các loại tiền tệ Bắc Âu.
Trong báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế của IMF viết: “Những loại tiền dự trữ phi truyền thống này hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương vì chúng tạo ra sự đa dạng hóa và lợi suất tương đối hấp dẫn. Những loại tiền này cũng ngày càng trở nên dễ mua, bán và sở hữu nhờ các công nghệ tài chính kỹ thuật số mới”. Báo cáo dựa trên dữ liệu từ 149 nền kinh tế chiếm 93% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Tỷ trọng đồng đô la Mỹ giảm trong dự trữ ngoại hối không hoàn toàn do các lệnh trừng phạt
Báo cáo của IMF được đưa ra trong bối cảnh vấn đề phi đô la hóa đang được thảo luận sôi nổi.
Là một phần trong số các biện pháp trừng phạt, phương Tây đã loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu (SWIFT) sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Các quốc gia khác hiện đang lo ngại rằng họ cũng có thể bị loại khỏi hệ thống này.
Tuy nhiên, thế thống trị của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối toàn cầu suy giảm dường như không phải do các hạn chế thương mại mà là bởi nỗ lực đa dạng hóa tài sản.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích gần đây cho biết vẫn còn những lo ngại khác có thể làm xói mòn niềm tin vào đồng bạc xanh.
Hôm thứ Hai, hai chuyên gia phân tích Mỹ viết trên tờ Financial Times rằng “sự rối loạn chức năng của Mỹ” - chính trị và tài chính - là mối đe dọa thực sự đối với sự thống trị của đồng đô la.
Jared Cohen, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Goldman Sachs, thừa nhận đang có trào lưu hướng tới phi đô la hóa nhưng nhận định rằng còn lâu mới tới thời điểm mà các nước cùng phối hợp nhằm thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, ông Cohen cảnh báo rằng không nên coi quyền lực tối cao của đồng đô la là điều hiển nhiên. Ông giải thích, những diễn biến ở Mỹ, chẳng hạn như rào cản tài chính và các mức thuế không cần thiết, có thể làm xói mòn niềm tin vào đồng bạc xanh.
Theo BI