Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Giảm nghèo từ vườn ươm cây lâm nghiệp

Phạm Minh | 17:47 20/11/2022

Với lợi thế khí hậu thổ nhưỡng cùng diện tích đất canh tác lớn, huyện Hữu Lũng có thế mạnh sản xuất cây giống lâm nghiệp. Hàng năm người dân thu nhập tăng thêm từ vườn ươm, giúp bà con xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Giảm nghèo từ vườn ươm cây lâm nghiệp
Hàng năm, trung bình mỗi người dân thu nhập từ 30-50 triệu đồng.

Tăng cường hỗ trợ cho người dân

Là một huyện nằm giữa sự chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, Hữu Lũng có nhiều điều kiện sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài trồng na là cây chủ lực ở lĩnh vực nông nghiệp, thì vườn cây ươm giống ở lĩnh vực lâm nghiệp đang là “gà đẻ trứng vàng” cho bà con địa phương nơi đây. Chính vì lẽ đó, hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang ăn nên làm ra trên chính mảnh đất của quê hương mình.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đông Bắc, đơn vị này đã phát triển sản xuất cây giống chất lượng cao từ 3 năm trước, mỗi năm sản xuất khoảng 2 triệu cây bạch đàn mô 3229 và keo lai từ cây chủ bằng keo lai mô F1.

Tuy nhiên, để sản xuất được cây giống chất lượng cao có 3 yếu tố quan trọng đó là: đầu vào của giống cây; trang thiết bị, vật tư liên quan đến sản xuất giống cây; vườn ươm cây giống phải đạt chuẩn.

Để tăng cường các biện pháp quản lý, định hướng phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, các cơ quan chức năng của huyện Hữu Lũng đã tuyên truyền thực hiện Nghị định 27/NĐ-CP cho gần 300 chủ cơ sở, kiểm tra tại 7 xã, hướng dẫn thành lập 3 HTX, 2 tổ hợp tác sản xuất giống cây lâm nghiệp, cấp 240 nghìn cây Keo lai mô F1 làm cây đầu dòng cho 6 xã, thị trấn.

Theo kết quả thống kê, điều tra cơ sở dữ liệu về giống cây lâm nghiệp, trên địa bàn huyện hiện có 710 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 94 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 5 cơ sở có hồ sơ chứng minh nguồn gốc vật liệu giống đạt yêu cầu, chủng loại chủ yếu là Keo, Bạch đàn.

Đáng chú ý, trong tổng số 710 vườn ươm, số cơ sở đủ điều kiện theo Nghị định 27có 5 vườn của tổ chức và cá nhân; số đơn vị còn lại chưa đáp ứng điều kiện theo Nghị định 27.

Từng bước vào sản xuất nền nếp

Theo bà Nông Thị Huyền Trang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, hiện nay có tới 95% người dân làm vườn ươm sản xuất giống cây lâm nghiệp (Keo, Bạch đàn) chưa có đăng ký kinh doanh, công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp và người dân chưa nắm được nhiều về những quy định pháp luật về giống cây lâm nghiệp.

Một số hộ nắm được việc công nhận nguồn cây giống khi các Thông tư, Nghị định ra đời nhưng các hộ gia đình không muốn làm công nhận vì đầu ra xuất cho Dự án không có (không có Dự án). Trong khi đó công nhận nguồn giống chỉ được 3 năm và mất phí (2.000.000 đồng). Vườn ươm không công nhận nguồn giống, cây giống vẫn bán giá ổn định, làm được nhiều thu nhập càng cao.

“Đó là lý do các hộ sản xuất cơ bản không muốn làm đăng ký kinh doanh và công nhận nguồn giống”, bà Trang nói.

Mặc dù vậy, trồng cây giống lâm nghiệp đang là thế mạnh của huyện Hữu Lũng. Theo kết quả sản xuất năm 2022, tính đến thời điểm giữa tháng 11, giá trị sản xuất giống cây lâm nghiệp được khoảng 400 triệu cây, đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Ươm cây giống lâm nghiệp mang lại đời sống ổn định cho bà con. Nhiều gia đình thu nhập từ 200-250 triệu đồng/hộ/năm từ bán cây giống. Trung bình mỗi hộ gia đình, cá nhân làm thêm vườn đạt khoảng 30 - 40 vạn cây, cho thu nhập khoảng 30 – 50 triệu đồng/người/năm, người già và trẻ em có thể tranh thủ làm, không mất nhiều vốn đầu tư.

Định hướng tiếp tục phát triển và mở rộng trồng cây giống lâm nghiệp trong thời gian tới, bà Nông Thị Huyền Trang cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn.

Tuyên truyền các chủ vườn ươm thành lập hợp tác xã kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, từng bước đưa việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó,hướng dẫn xây dựng các nhãn hiệu tập thể, xây dựng hệ thống bản đồ, chỉ dẫn địa lý phục vụ cho việc truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu tạo dựng sự ổn định về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn về trình tự, thủ tục đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp; quan tâm hỗ trợ về lệ phí công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với các hộ gia đình.

“Mục tiêu của huyện giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng hệ thống cung cấp vật liệu giống keo, bạch đàn chất lượng cao, hỗ trợ nâng cấp 5- 7 vườn ươm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến hiện đại, hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống chất lượng cao”, bà Trang nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Giảm nghèo từ vườn ươm cây lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO