Hội Thẩm định giá Việt Nam: Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá

PV | 08:34 29/08/2023

Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) vừa có văn bản trả lời nội dung tham vấn xin ý kiến chuyên môn của một doanh nghiệp về hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá đối với sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Hội Thẩm định giá Việt Nam: Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá
VVA vừa có phản hồi chuyên môn về thẩm định giá sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Theo VVA, chiếu theo quy định của pháp luật, tài sản cần thẩm định giá là sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá mà thuộc danh mục tài sản cần thẩm định giá theo yêu cầu của khách hàng thẩm định giá.

Khách hàng khi có nhu cầu sẽ thuê Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá để tư vấn cho khách hàng quyết định giá phục vụ mục đích đấu thầu mua sắm tài sản.

Trong trường hợp này, theo VVA, Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá phải tuân thủ các quy định của Luật Giá về thẩm định giá, các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam nhằm “Xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho một mục đích nhất định theo Tiêu chuẩn thẩm định giá (Khoản 15, Điều 4, Luật Giá năm 2022)”.

Từ mục tiêu đó, Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá cần căn cứ vào các điều kiện hoạt động của thị trường, nguồn thông tin dữ liệu và đặc điểm của tài sản để lựa chọn cách tiếp cận thẩm định giá là thị trường, chi phí hay thu nhập.

Cụ thể, Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá căn cứ các cách tiếp cận thẩm định giá quy định tại các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, thẩm định viên phân tích và lựa chọn các phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị của tài sản, mức độ sẵn có của các dữ liệu, thông tin để áp dụng các phương pháp thẩm định giá và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan (nếu có) (Khoản 6, Mục II, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05: Quy trình thẩm định giá)”.

Lưu ý nếu sử dụng phương pháp so sánh

Theo VVA, nếu Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá lựa chọn cách tiếp cận từ thị trường và ứng với nó là sử dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường để thẩm định giá thì điều kiện để áp dụng là phải “có nhiều số liệu từ các giao dịch (tối thiểu 3 giao dịch) của các tài sản so sánh trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá (Khoản 6, Mục II, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05: Quy trình thẩm định giá)” và các giao dịch đó là “Các giao dịch thành công trên thị trường … hoặc giao dịch chưa thành công (chào bán, chào mua)… (điểm a, b, c, Khoản 4, Mục I, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08: Cách tiếp cận từ thị trường)”.

Ngoài ra, Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá cũng cần căn cứ vào các nguồn thông tin thu thập, phục vụ cho quá trình thẩm định giá bao gồm: Thông tin do khách hàng cung cấp; thông tin từ kết quả khảo sát thực tế; thông tin từ các giao dịch mua bán tài sản trên thị trường (ví dụ: giá thực mua bán, giá chào bán, giá chào mua, điều kiện mua bán, khối lượng giao dịch, thời gian giao dịch, địa điểm giao dịch); thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương, trung ương và của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; thông tin trên các văn bản thể hiện tính pháp lý về quyền của chủ sở hữu… (Khoản 4, Mục II, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số: 05 - Quy trình thẩm định giá)”.

Lưu ý nếu sử dụng phương pháp chi phí

Theo VVA, nếu Công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá lựa chọn cách tiếp cận từ chi phí, ứng với nó là phương pháp chi phí để thẩm định giá tài sản thì cách tiếp cận này “thường được áp dụng trong các trường hợp: không có đủ thông tin trên thị trường để áp dụng cách tiếp cận thị trường và cách tiếp cận thu nhập. (Khoản 2, Mục II, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 09: Cách tiếp cận từ chi phí)”.

Đối với phương pháp chi phí, theo VVA, điều cần lưu ý khi áp dụng để định giá theo quy định của Luật Giá thì không chỉ coi “a) Giá thành toàn bộ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá, mức lợi nhuận dự kiến” là căn cứ duy nhất để định giá, mà song hành cũng mang tính quyết định mức giá như căn cứ trên là: “b) quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng. c) Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá”. (Khoản 1, Điều 21: Căn cứ, phương pháp định giá, Luật Giá năm 2012).

Đối với hoạt động nghiệp vụ của các công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá hiện nay, VVA lưu ý các doanh nghiệp cần đảm bảo toàn bộ quá trình thẩm định giá đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giá và các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, với điều kiện Công ty không vi phạm các điểm b, c, Khoản 3, Điều 10: Hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của Luật Giá năm 2012.


(0) Bình luận
Hội Thẩm định giá Việt Nam: Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO