Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2024 là năm thứ hai Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức hoạt động thực hiện theo Nghị quyết Đại hội IV và Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ III Nhiệm kỳ IV (2023-2027).
Báo cáo nhận định, năm 2024, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại và thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Do đó, hoạt động chung về thẩm định giá của Hội và của các hội viên vẫn gặp nhiều khó khăn, sai sót trong hoạt động nghề nghiệp vẫn xảy ra, chưa được khắc phục có hiệu quả; các chỉ tiêu của hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá chưa đạt được mức trở lại trước đại dịch Covid-19.
Mặc dù gặp phải những khó khăn trong hoạt động nhưng nhờ Ban Chấp hành Hội đã không chỉ đề ra phương hướng hoạt động đúng đắn từ đầu năm mà còn chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời các hoạt động phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời động viên toàn Hội đoàn kết phấn đấu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành nên hoạt động của toàn Hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Những kết quả đạt được trong năm 2024
Thành công trong hoạt động của Hội cơ bản là hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, nhiệm vụ của Bộ Tài chính giao và các kế hoạch, mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Chấp hành đã đề ra cho năm 2024 trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những điểm sáng nổi bật được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao từ đó mà uy tín, vị thế của Hội tiếp tục được nâng tầm. Các lĩnh vực đó là: Tham mưu, góp ý, phản biện, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về giá, thẩm định giá và một số lĩnh vực kinh tế, tài chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; Đào tạo, bồi dưỡng; cập nhật kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá; Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giá và thẩm định giá...
Thứ nhất: Hội tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, góp ý xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo yêu cầu của giai đoạn mới. Cụ thể:
Điểm mới nổi bật trong năm nay, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, Ngành, các tổ chức quốc tế, Hội đã tập chung công sức, trí tuệ tham gia góp ý phản biện, xây dựng những vấn đề lớn mang tầm quốc gia về giá trong các Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Cấp, Thoát nước, Luật Điện lực; các Nghị định của Chính phủ: hướng dẫn phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai, hướng dẫn thi hành Luật Giá về thẩm định giá, phương pháp định giá dịch vụ thủy lợi trong Luật Thủy lợi, Kinh doanh xăng dầu; trực tiếp tham gia các Hội đồng Thẩm định của các Bộ đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư như: Thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá các Chuẩn mực Thẩm định giá Việt Nam…
Hầu hết các nội dung Hội được yêu cầu tham gia nói trên đều được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu đưa vào hoàn thiện các quy phạm pháp luật. Đặc biệt là Hội đã bảo vệ thành công trước Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành, các địa phương về quan điểm đưa phương pháp thặng dư trong định giá đất và Luật Đất đai được Quốc hội ban hành năm 2024 và 02 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các phương pháp định giá đất theo quy định của Luật Đất đai được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong năm 2024. Những thành công đó đã tạo được “tiếng vang” lớn trong dư luận xã hội.
Ngoài những vấn đề lớn trên, Hội còn sẵn sàng, tích cực tiếp nhận yêu cầu của một số địa phương tư vấn về định giá đất, giá dịch vụ cấp, thoát nước, xử lý rác thải…và tư vấn kiến thức về giá, thẩm định giá được các địa phương tín nhiệm cao.
Thứ hai: Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; cập nhật kiến thức có những bước đột phá, đạt kết quả cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra cả về số lượng và chất lượng các khóa đào tạo.
Năm 2024, Hội đã tổ chức được tổng số 19 khóa cho tất cả các loại hình đào tạo (Trong đó có: 6 khóa đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, 11 khóa cập nhật kiến thức, 02 khóa ôn thi Thẻ Thẩm định viên về giá của Bộ Tài chính).
Số lượng học viên tham gia các khóa học của Hội cũng tăng hơn trước, đặc biệt là học viên tham dự các khóa cập nhật kiến thức tăng hơn năm 2023 và kế hoạch là 31% (1.163 học viên /885 học viên).
Hội vẫn tiếp tục phấn đấu giữ được thương hiệu là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo về thẩm định giá được Bộ Tài chính ghi nhận và được học viên đánh giá cao về chất lượng đào tạo qua phiếu đánh giá như sau: Chất lượng giảng dạy các khóa đào tạo, bồi dưỡng đạt khá và tốt 99% bình quân 1 khóa; Chất lượng các khóa cập nhật kiến thức đạt tốt và rất tốt 95,1% bình quân 1 khóa; Chất lượng phục vụ các khóa học đạt tốt và rất tốt 97,1% bình quân 1 khóa
Thứ ba: Công tác truyền thông, thông qua việc thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách, pháp luật về giá, thẩm định giá đã được đổi mới theo hướng đa dạng hơn về hình thức, mở rộng hơn phạm vi phục vụ nên đã thu hút được lượng người quan tâm tăng khá, tạo ra kênh kết nối hiệu quả giữa Hội với các hội viên và giữa Hội với dư luận xã hội.
Ngoài công tác thông tin, tuyên truyền trên các công cụ truyền thông của mình như Tạp chí điện tử “Nhịp sống Thị trường”, Trang tin điện tử và Facebook của Hội, Hội còn tích cực tham gia hoạt động này trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền hình, các Đài, Báo…nội dung tuyên truyền về kiểm soát lạm phát, về điều hành giá hàng hóa dịch vụ cơ bản của nền kinh tế, về thẩm định giá đã góp phần tích cực vào việc giúp dư luận hiểu rõ thêm và đồng thuận với cơ chế chính sách giá, pháp luật về giá và thẩm định giá…
Thứ tư: Ngoài ba thành công nổi bật nêu trên, Hội còn phấn đấu đạt được những kết quả hoạt động rất quan trọng như: Chủ động, thường xuyên quan tâm đến việc tập hợp, liên kết, đoàn kết hội viên cùng hoạt động vì lợi ích chung của Hội, của Ngành nghề; Tổ chức, công tác nghiên cứu khoa học, hội thảo, hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá và các vấn đề kinh tế vĩ mô để tham mưu đề xuất ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước, cũng đạt nhiều kết quả; Hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá của các hội viên là doanh nghiệp thẩm định giá đại đa số vẫn đạt được những kết quả tích cực; Công tác xây dựng và phát triển Hội tiếp tục được củng cố.
Được cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá là Hội hoạt động bài bản, chuyên nghiệp
Trong những năm qua và đặc biệt là năm 2024, Hội luôn luôn chú trọng xây dựng tổ chức, hoạt động của Hội theo đúng 5 nguyên tắc của Điều lệ Hội là: Tự nguyện, tự quản; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; Không vì mục đích lợi nhuận; Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về Điều lệ Hội.
Các nguyên tắc đó được cụ thể hóa trong thực tiễn bằng việc củng cố hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chuyên môn, đặc biệt là hoạt động của các Ban: Nguyên cứu và chuyển giao khoa học thẩm định giá, Đào tạo, Truyền thông đã làm nổi bật và tăng cường vị thế của Hội đối với xã hội. Hội luôn nhất quán và kiên trì công tác điều hành hoạt động của Hội bằng các Quy chế, bằng sự phối hợp chặt chẽ thống nhất trong Ban Chấp hành và sự liên kết thường xuyên giữa các thành viên Ban Chấp hành với các hội viên của Hội… Chính vì vậy, trong đợt kiểm tra hoạt động của Hội năm 2024, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nội vụ, Bộ Công An đã đánh giá: Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức hoạt động khá bài bản, chuyên nghiệp, là một Hội đoàn kết thống nhất, không có khiếu nại, tố cáo xảy ra và đạt được khá nhiều thành công; thực hiện tốt Điều lệ Hội.
Song song với việc tổ chức hoạt động như trên Hội cũng chăm lo tổ chức tốt các hoạt động khác như về tài chính bảo đảm cân đối thu chi đáp ứng yêu cầu các hoạt động, có điều kiện cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Hội, nâng dần được mức thù lao giảng dậy cho các giảng viên; đồng thời bước đầu đã có những hỗ trợ nhất định cho hoạt động của một số đơn vị thuộc Hội. Hội cũng đã tổ chức thành công ngày Hiến chương các Nhà giáo, các công việc liên quan đến đón Tết cổ truyền dân tộc.... Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm đến công tác phát triển hội viên, nên năm 2024 đã kết nạp thêm 04 đơn vị hội viên mới và 09 cá nhân,
Những tồn tại của năm 2024
Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động năm 2024 của Hội như trên thì đã có những tồn tại như: hoạt động cung ứng dịch vụ của một số ít hội viên doanh nghiệp đã có những sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá đã bị Bộ Tài chính rút Giấy phép kinh doanh; có những hội viên cá nhân bị các cơ quan pháp luật khởi tố, Hội khai trừ khỏi Hội.
Công tác tham gia góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá của một số hội viên chưa tích cực; khi gặp khó khăn vướng mắc trong hoạt động thực tiễn chưa chủ động phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.
Phương hướng, nhiệm vụ chung của cả năm 2025
Năm 2025 là năm Quốc hội đã đề ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản… đảm bảo tạo ra động lực để có những bứt phá hơn năm trước đạt mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước khoảng 6,5% - 7% và phấn đấu khoảng 7%-7,5%.
Trong bối cảnh ấy nhu cầu thẩm định giá tài sản phát triển kinh tế sẽ tăng hơn năm trước, thị trường thẩm định giá sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hoạt động thẩm định giá cũng vẫn gặp những khó khăn nhất định về chất lượng nguồn nhân lực, tính minh bạch của thị trường thông tin và những rủi ro tiềm ẩn khó lường...
Trước bối cảnh đó, Hội đề ra phương hướng hoạt động chung là “Đoàn kết, hợp tác; nâng cao tính chuyên nghiệp, tính tuân thủ Điều lệ Hội và pháp luật về thẩm định giá; xây dựng nghề thẩm định giá đáp ứng sự tin cậy của thị trường”, cụ thể:
Thứ nhất: Tiếp tục tập hợp trí tuệ trong toàn Hội chủ động và tích cực trong tư vấn, góp ý, phản biện chính sách; theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước mà trọng tâm là những vấn đề về giá và thẩm định giá. Nghiên cứu và phát hiện, đề xuất với cơ quan quản lý tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động thẩm định giá giúp hoạt động thẩm định giá có hiệu quả.
Thứ hai: Tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá và các hội viên có các giải pháp thiết thực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên. Thực hiện các giải pháp liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về thẩm định giá; tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm trong thẩm định giá; đào tạo, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong thẩm định giá…
Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá. Trên cơ sở đó để tổ chức 1 cuộc giao lưu, trao đổi với các hội viên trong cả nước về các nội dung trên.
Thứ ba: Tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá xây dựng các chương trình đào tạo, quy mô phù hợp, sát nhu cầu của xã hội theo các hình thức đào tạo hợp lý như:
Xây dựng, phát hành bộ tài liệu đào tạo kiến thức chuyên ngành thẩm định giá theo khung chương trình của Bộ Tài chính để phục vụ các khóa đào tạo của Hội.
Phấn đấu giữ vững chất lượng đào tạo đạt 95% trở lên như những năm qua theo đánh giá của học viên tham gia các khóa học căn cứ vào Tiêu chí đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Có các giải pháp chuẩn bị tốt các điều kiện học tập, giảng dậy để thu hút tăng số lượng học viên tham gia các khóa học do Hội tổ chức, trên cơ sở đó: Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành TĐG / năm; Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 lớp cập nhật kiến thức TĐG / năm; Tổ chức 2 lớp ôn thi kiến thức TĐG / năm (Nếu Bộ Tài chính tổ chức thi Thẻ thẩm định viên về giá)
Thứ tư: Tiếp tục chú trọng triển khai công tác truyền thông về lĩnh vực giá và TĐG bằng các hình thức thích hợp, trọng tâm là các quy định của pháp luật về TĐG; việc tuân thủ pháp luật về thẩm định giá:
Tiếp tục nghiên cứu có những điều chỉnh hợp lý về cơ cấu của Tạp chí, Trang thông tin điện tử và các công cụ truyền thông khác của Hội theo hướng tiếp cận và phản ánh cập nhật những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn trong phát triển, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống lãng phí nói chung và có liên hệ với ngành nghề thẩm định giá.
Tiếp tục có những hình thức (Kết hợp nội dung) hấp dẫn và xây dựng chiến lược mở rộng phạm vi phục vụ và thu hút thêm bạn đọc trong và ngoài nước.
Tạp chí tiếp tục nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi lần 2 viết về ngành thẩm định giá với sự phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ năm: Hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp hội viên, phấn đấu: Tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp ngân sách đạt mức năm 2025 cao hơn năm 2024; Xếp điểm chất lượng hoạt động TĐG của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên; Phấn đấu không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động TĐG.
Thứ sáu: Tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác quốc tế về TĐG: Duy trì hợp tác với các đối tác cũ, mở rộng thêm đối tác và mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác khác. Động viên, khuyến khích các hội viên tích cực tham gia công tác về các chương trình hợp tác quốc tế của Hội và của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Thứ bẩy: Kiên trì phấn đấu xây dựng Hội phát triển giữ vững đoàn kết, hoạt động chuyên nghiệp luôn trở thành “cầu nối” hữu ích giữa doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.
Củng cố hoạt động của BCH và các Ban đơn vị thuộc Hội; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Quy chế hoạt động. Rà soát các quy định phân công việc bảo đảm một người đảm nhiệm nhiều việc, nhưng không chồng chéo; Mở rộng các hình thức liên kết với các hội viên; Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội; Phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là tổ chức, doanh nghiệp TĐG và 10% hội viên là cá nhân; Phấn đấu tạo nguồn thu tăng hơn năm 2025 về tài chính, phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và của pháp luật để chủ động triển khai phục vụ các hoạt động của Hội.
Thứ tám: Hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ Hội.