Đề cập đến các văn bản quy định hoạt động thẩm định giá, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình cho biết, chất lượng hoạt động thẩm định giá đến từ nhiều phía và từ nhiều yếu tố. Luật Giá 2023 tiếp cận vấn đề này theo hướng bao quát và tổng thể, tức vừa quan tâm củng cố về mặt lượng, vừa quan tâm về mặt chất đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, một trong những kỳ vọng lớn nhất khi Luật Giá 2023 được ban hành đó là những quy định mới sẽ nâng chất hoạt động thẩm định giá, nổi bật là chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản, điều chỉnh điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá và điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tại doanh nghiệp.
Quản lý chặt chẽ hơn đối với các thẩm định viên về giá
Về quy định hành nghề thẩm định giá, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Luật Giá 2012 quy định thẩm định viên về giá không được hành nghề với tư cách cá nhân; người có thẻ thẩm định viên về giá khi có nhu cầu hành nghề thẩm định giá phải gắn với hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Luật Giá 2023 quy định rõ hơn việc đăng ký hành nghề với Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp thẩm định giá và quy định rõ thẩm định viên về giá phải là những người có thẻ thẩm định viên và đang hành nghề thẩm định giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá.
Cụ thể, điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có thẻ thẩm định viên và có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế để nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá, trừ đối tượng được đào tạo trình độ đại học trở lên theo chương trình định hướng ứng dụng thì cần đủ 24 tháng.
Đối với thẻ thẩm định viên về giá, Luật Giá 2023 củng cố theo hướng chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản. Theo đó, thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo 2 lĩnh vực gồm thẩm định giá tài sản; thẩm định giá doanh nghiệp.
Điều này góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên môn sâu, cũng như tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.
Bên cạnh đó, do lĩnh vực thẩm định giá rất rộng, nhiều nội dung thuộc nhiều chuyên ngành khác không chỉ giới hạn trong các chuyên ngành kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật và nhằm khuyến khích phát triển nghề thẩm định giá nên một trong những điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên là có bằng đại học trở lên mà không phân biệt chuyên ngành đào tạo.
Mặt khác, nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các thẩm định viên về giá, Luật cũng quy định về những điều cấm đối với thẩm định viên về giá, quy định một số trường hợp xử lý đối với thẩm định viên về giá khi vi phạm pháp luật về thẩm định giá như tước thẻ, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
Nâng điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá
Ngoài các quy định cụ thể về các thẩm định viên, Luật Giá 2023 cũng đã nâng điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá. Theo quy định, điều kiện của doanh nghiệp thẩm định giá là từ ba thẻ thẩm định viên về giá theo quy định cũ, nay cần có ít nhất năm thẻ thẩm định viên về giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá từ hai lên có ít nhất ba thẻ thẩm định viên về giá độc lập với doanh nghiệp và các chi nhánh khác.
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Luật Giá 2023 cũng bổ sung điều kiện nhằm củng cố hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá như: quy định điều kiện về số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp thẩm định giá từ ba lên có ít nhất năm thẻ thẩm định viên về giá. Các doanh nghiệp có trách nhiệm mua bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp hoặc trích lập dự phòng.
Đồng thời, chi nhánh phải có ít nhất ba thẻ thẩm định viên về giá độc lập với doanh nghiệp và các chi nhánh khác. Luật củng cố quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp trong trường hợp có biến động về thẩm định viên về giá ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động.
Ngoài ra, Luật Giá 2023 cũng củng cố và làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ, nhất là nghĩa vụ của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Bên cạnh đó, Luật Giá 2023 bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá về kết quả thẩm định giá. Theo quy định, mối quan hệ giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng được thực hiện thông qua hợp đồng thẩm định giá là hợp đồng dân sự.
Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua cơ chế: thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá; giải quyết bằng trọng tài thương mại; khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Để tạo điều kiện cho các bên và làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp, tại Luật Giá 2023 quy định một điều để dẫn chiếu các quy định hiện hành nhằm triển khai thực hiện thuận lợi khi có phát sinh.
Đặc biệt, đại diện Cục Quản lý giá lưu ý, quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được chuyển tiếp. Theo đó, sau thời hạn 12 tháng khi Luật Giá 2023 có hiệu lực (ngày 01/7/2025), nếu doanh nghiệp thẩm định giá không tuân thủ điều kiện dịch vụ thẩm định giá theo quy định sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.