CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán: VOS) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu gần 716 tỷ đồng, tăng nhẹ 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng vọt 58% lên 719 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vosco đạt 19,2 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty đều giảm.
Kết quả, Vosco lỗ ròng 23,3 tỷ đồng trong quý 3/2023. EPS giảm từ 1.101 đồng về âm 167 đồng. Đây là lần đầu doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 1/2021.
Lũy kế 9 tháng, Vosco ghi nhận doanh thu 2.277 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khấu trừ các chi phí, công ty chỉ lãi hơn 50 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp vận tải biển này mới hoàn thành 25,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Vosco đạt 2.697 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là phần tài sản cố định gần 1.000 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với số đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 772 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 443 tỷ đồng.
Công ty không có nợ vay tài chính cho đến cuối quý 3/2023. Vốn chủ sở hữu đạt 1.567 tỷ đồng, trong đó vốn góp củ chủ sở hữu là 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 112,8 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2020 sang năm 2021 được coi là năm hoàng kim của doanh nghiệp vận tải biển khi những khó khăn trong lưu thông hồi đại dịch đã khiến cho giá cước vận tải biển tăng phi mã, đem lại kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến cho nhóm này. Đơn cử Vosco báo lãi 490 tỷ đồng trong năm 2021 trong khi các năm trước đó đều lỗ hoặc lãi nhẹ.
Cũng do đó, nhóm cổ phiếu vận tải biển chứng kiến sóng tăng tốt hàng đầu thị trường chứng khoán vào năm này. Từ mức giá 2.000 đồng, VOS từng lên đến giá 25.000 đồng, tăng 11 lần.
Tuy nhiên, khi giá cước vận tải bắt đầu lao dốc kể từ cuối năm 2022, nhóm cổ phiếu này cũng tụt dốc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, cổ phiếu VOS còn 11.200 đồng/cp, tức chưa bằng một nửa so với mức đỉnh lịch sử.