Theo công văn của Công ty CP Dream Republic do Tổng giám đốc Trần Thị Mộng Linh ký, trước và sau khi trúng đấu giá công ty đã gặp gỡ các đối tác tiềm năng để xây dựng định hướng phát triển dự án trên lô đất 3-5, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các đối tác hoàn toàn ủng hộ theo hướng xây dựng định vị thương hiệu thay vì chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá có nhiều sự kiện trong và ngoài nước ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là những thông tin sau khi hai doanh nghiệp bỏ cọc gây tác động xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của các đối tác chiến lược, việc công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.
Dù khó khăn nhưng công ty đang nỗ lực để thu xếp nguồn tài chính để nộp vào ngân sách nhà nước tiền trúng đấu giá đất cũng như các khoản phí, lệ phí… liên quan.
Công văn của Công ty CP Sheen Mega do Tổng giám đốc Nguyễn Thị Huyền cũng nêu các khó khăn chủ quan khách quan, dẫn đến việc chậm nộp tiền trúng đấu giá và các khoản phí liên quan.
Với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án trên các lô đất sau khi trúng đấu giá, từ đó hai doanh nghiệp trên đã kiến nghị các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh phương án thanh toán chậm việc nộp tiền trúng đấu giá.
Cả hai doanh nghiệp này xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022.
Cụ thể, hai doanh nghiệp xin nộp tiền theo tháng: Tháng 4 nộp 15%, các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17%, tháng 9/2022 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.
24 giờ ngày 6/4 là thời hạn phải nộp 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Tuy nhiên đến nay 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trước đó Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất được miễn nộp lệ phí trước bạ.
Sau thời hạn 180 ngày mà doanh nghiệp vẫn không nộp tiền vào ngân sách mới được xem là bỏ cọc.