UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 và bãi bỏ Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 9/6/2022.
Tại Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND, UBND TP. Hà Nội sửa đổi Điều 10 về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng) cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở.
Theo đó, các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại những dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả kiểm tra, thẩm định dự án (quy định tại Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 12/2017 ngày 31/3/2017), hợp đồng mua bán nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại để xét cấp sổ đỏ cho tổ chức.
Đối tượng được xem xét theo việc sửa đổi này là các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn thương mại tại những dự án phát triển nhà ở. Thời gian giải quyết các nội dung trên không quá 30 ngày làm việc.
UBND TP cũng sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 11 (hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho trường hợp nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hằng năm) của quyết định trên.
Theo đó, tổ chức nộp 1 bộ hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (bản chính); hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định (bản chính); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bản chính).
Trường hợp chuyển nhượng tài sản gắn liền với một phần thửa đất thuê thì ngoài những giấy tờ nêu trên, tổ chức phải nộp thêm trích đo địa chính thửa đất do Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân đo đạc lập, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định (bản chính - nếu có) hoặc bản trích lục thửa đất mới tách theo kết quả đo đạc địa chính do Văn phòng Đăng ký đất đai lập (bản chính); việc tách thửa theo quy định tại Điều 75 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình trạng người dân mua căn hộ chung cư, dù đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan với chủ đầu tư nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ, thậm chí bị “treo” không phải là hiện tượng cá biệt và đã trở thành một vấn nạn đang báo động, không chỉ gây bức xúc mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự xã hội khi những người mua nhà tập trung đông người, căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư, “đòi” sổ đỏ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở trì hoãn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư hay còn gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân với tổng cộng khoảng trên 30.000 sổ đỏ bị "treo".
Có thể kể đến một số dự án điển hình như chung cư New Horizon City tại 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội có gần 1.300 căn hộ. Tuy nhiên, mới chỉ hơn 200 căn hộ được cấp chứng nhận quyền sở hữu.
Chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) nhiều năm nay, những người dân sống ở đây vẫn lo ngại khi không nhìn thấy sổ hồng.
Cũng có chung cảnh ngộ, cả trăm cư dân mua nhà ở xã hội tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm hơn 5 năm song không căn hộ nào được cấp sổ đỏ và cũng không biết đến bao giờ mới được cấp.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực tế trong quá trình giao dịch mua bán nhà ở, người dân không biết hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ về pháp lý của các dự án để nắm được dự án đó liệu vi phạm pháp luật hay không.
“Sự thật mà nói, các giao dịch giữa người mua nhà với chủ đầu tư là hợp pháp và đều được pháp luật thừa nhận. Người mua nhà, chỉ cần trả đủ tiền là đã thực hiện đúng, đủ trách nhiệm theo hợp đồng. Còn nếu chủ đầu tư có sai phạm thì họ hoặc các cơ quan chức năng “có vấn đề” phải là người giải quyết vấn đề, chứ không phải là người dân”, G. Đặng Hùng Võ nhận định.
Trước thực trạng trên, theo nhận định của các chuyên gia, để tránh những rủi ro không đáng có liên quan đến sổ đỏ, người dân trước khi mua nhà nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc đề nghị chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ pháp lý có liên quan của dự án. Bên cạnh đó, người dân cũng cần quan tâm đến uy tín, năng lực của chủ đầu tư.