Thị trường siêu ứng dụng tại Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế và hành vi tiêu dùng. Theo bà, những xu hướng tiêu dùng chính nào đang định hình thị trường hiện nay, và Grab đã nắm bắt chúng như thế nào để thu hút thêm người dùng mới?
Nhìn chung, thị trường các dịch vụ số tại Việt Nam đang được dẫn dắt bởi ba xu hướng tiêu dùng nổi bật.
Thứ nhất, người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, mọi quyết định chi tiêu đều được cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ trong lĩnh vực các dịch vụ số mà còn ở các ngành hàng khác. Trước xu hướng đó, Grab đã ra mắt các lựa chọn có mức giá tiết kiệm hơn như GrabBike Tiết Kiệm, GrabCar Tiết Kiệm, hay GrabFood Một Người Ăn... Những giải pháp này được thiết kế phù hợp cho những người dùng tương đối nhạy cảm về giá, cân nhắc nhiều về chi phí trước khi mua hàng.
Thứ hai, với nhịp sống ngày càng bận rộn, người dùng không chỉ muốn tiết kiệm chi phí mà còn cần tiết kiệm thời gian và công sức để cân bằng giữa công việc, gia đình và các vai trò xã hội. Sự tiện lợi được đề cao hơn trước rất nhiều. Bởi vậy, Grab cũng ngày càng mở rộng các dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của người dùng, tất cả chỉ trên một ứng dụng. Từ nhu cầu đi lại, ăn uống, mua sắm của cá nhân, Grab tiếp tục mở rộng đến đối tượng gia đình bằng những các giải pháp sáng tạo. Đơn cử như tính năng Tài khoản gia đình cho phép người dùng đặt xe cho người thân từ xa và theo dõi hành trình, đảm bảo an toàn cho cha mẹ hoặc con cái, hay chuyến xe “ân cần” cho các đối tượng như mẹ bầu hay người lớn tuổi.
Thứ ba, người dùng mong đợi giá trị cộng thêm từ các dịch vụ. Họ không chỉ tìm kiếm ưu đãi mà còn muốn nhận được lợi ích vượt trội từ hệ sinh thái, đó là lý do chúng tôi cung cấp gói Hội viên GrabUnlimited với nhiều ưu đãi cho các dịch vụ trong hệ sinh thái. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp với nhiều đối tác thương hiệu uy tín trên thị trường để cùng nhau mang đến những giá trị cộng thêm cho người dùng.
Dựa trên các xu hướng tiêu dùng mà Grab đang nắm bắt, đâu là những phân khúc người dùng tiềm năng mà thị trường siêu ứng dụng chưa phục vụ đầy đủ, và Grab nhìn nhận cơ hội tăng trưởng từ các nhóm này như thế nào?
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, thị trường tiêu dùng số tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Điều đó có nghĩa, xu hướng sử dụng các dịch vụ số trong cuộc sống cũng sẽ ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều đối tượng chưa được tiếp cận đầy đủ dẫn đến chưa trải nghiệm hoặc chưa sử dụng dịch vụ số một cách thường xuyên. Đó là nhóm người dùng lớn tuổi chưa thành thạo về công nghệ, người dùng ở các khu vực nông thôn với điều kiện tiếp cận hạn chế hay học sinh, sinh viên muốn chi tiêu tiết kiệm… Đây không chỉ là cơ hội để chúng tôi đưa các dịch vụ số trở nên dễ tiếp cận hơn với các nhóm đối tượng này, mà còn là cơ hội tăng trưởng và mở rộng thị trường.
Vậy Grab làm thế nào để dịch vụ của mình tiếp cận tốt hơn những nhóm người dùng này?
Chúng tôi tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi mà họ gặp phải bằng các giải pháp, sản phẩm được “may đo” riêng. Mới đây nhất, chúng tôi cho ra mắt gói giải pháp “Grab cho cả nhà”, được thiết kế dựa trên sự thấu hiểu người dùng sâu sắc và năng lực công nghệ mạnh mẽ của Grab tại thị trường Việt Nam.
Gói giải pháp gồm loạt sản phẩm và tính năng giúp các thành viên trong gia đình đi lại, ăn uống và mua sắm cùng nhau, đồng thời yên tâm hơn khi người thân của mình được chăm sóc chu đáo khi sử dụng Grab. Cụ thể, tính năng Tài khoản Gia đình cho phép người thân hỗ trợ bố mẹ, ông bà đặt xe và thanh toán, theo dõi chuyến xe của họ. Tính năng Chuyến xe Ân cần dành cho các khách hàng cần sự hỗ trợ đặc biệt như mẹ bầu, người có con nhỏ, hoặc người hạn chế sức khỏe, yêu cầu sự quan tâm. Các giải pháp khác như Bộ sưu tập Món ăn gia đình, Nhà hàng Gia đình trên GrabFood hay sắm sửa cho cả nhà trên GrabMart cũng giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu ăn uống, mua sắm của người dùng và gia đình của họ.
.png)
Với đối tượng sinh viên là những người nhạy bén, cởi mở với các dịch vụ số nhưng lại có nhiều ưu tư về chi phí, chúng tôi cũng mang đến nhiều giải pháp phù hợp. Điển hình như Gói Hội viên GrabUnlimited dành cho Sinh viên với giá ưu đãi 50%. Ngoài ra, các Bộ sưu tập Một người ăn với hàng nghìn lựa chọn món ăn mà tổng chi phí chỉ 39.000 đồng; hay dịch vụ GrabBike Tiết kiệm với giá tốt hơn so với GrabBike thông thường, cũng là những lựa chọn phù hợp với đối tượng người dùng sinh viên. Nhờ những nỗ lực này, chúng tôi đã ghi nhận số lượng người dùng hàng tháng thuộc phân khúc sinh viên tăng hơn 20% so với cùng kỳ hồi tháng 5 năm ngoái.
Grab luôn nhấn mạnh ưu thế về hệ sinh thái đa dịch vụ. Tuy nhiên, các đối thủ khác trên thị trường cũng đang mở rộng từ gọi xe sang giao hàng và đồ ăn. Với xu hướng này, Grab có tự tin duy trì lợi thế cạnh tranh của mình không?
Ba trụ cột – thấu hiểu sâu sắc người dùng, hệ sinh thái đa dịch vụ, và năng lực công nghệ – là kết tinh từ hành trình hơn 10 năm của Grab tại Việt Nam. Có thể các thương hiệu khác cũng theo đuổi hướng đi siêu ứng dụng, cách Grab áp dụng ba trụ cột này tạo nên sự khác biệt.
Thứ nhất, để thấu hiểu sâu sắc người dùng, chúng tôi tận dụng dữ liệu bên thứ nhất từ ứng dụng song song với thường xuyên khảo sát thực tế, gặp gỡ người dùng và đối tác để nắm bắt nhu cầu thực tiễn. Không chỉ vậy, trong mỗi sản phẩm và giải pháp, chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của người dùng để thực sự hiểu được mong muốn của họ, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao trải nghiệm từ những chi tiết nhỏ nhất.
Thứ hai là hệ sinh thái đa dịch vụ. Grab cung cấp các giải pháp từ di chuyển, giao hàng, ăn uống đến thanh toán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi phân khúc, bất kể ngân sách. Công nghệ giúp chúng tôi có thể dự đoán nhu cầu, qua đó cá nhân hóa trải nghiệm, như hiển thị các món ăn phù hợp với sở thích hoặc gợi ý dịch vụ dựa trên lịch sử sử dụng, mang lại sự tiện lợi tối ưu.
Thứ ba là năng lực công nghệ. Tại bất cứ thời điểm nào trong ngày, Grab thực hiện hàng trăm thử nghiệm để cải tiến dịch vụ. Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào AI và ứng dụng AI vào mọi điểm chạm trên ứng dụng, gia tăng trải nghiệm không chỉ cho người dùng mà còn hỗ trợ đối tác Grab.
Ví dụ, giao diện ứng dụng được cá nhân hóa theo thói quen từng người dùng, đảm bảo trải nghiệm liền mạch. Hoặc tính năng Đặt đơn nhóm nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ người dùng trong thời gian qua là kết quả của sự đổi mới liên tục.
Thị trường giao đồ ăn vừa có sự tham gia của một tay chơi mới. Là đơn vị dẫn đầu thị trường, Grab đánh giá thế nào về sự cạnh tranh này, và chiến lược của Grab là gì để duy trì vị thế?
Hơn 10 năm có mặt tại thị trường, chúng tôi đã đối mặt với nhiều cạnh tranh, ở mọi lĩnh vực. Chúng tôi tin rằng cạnh tranh lành mạnh có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho cả người dùng, thị trường và tạo ra động lực để các doanh nghiệp luôn duy trì đổi mới sáng tạo.
Thay vì chỉ cạnh tranh thị phần trong “miếng bánh” hiện tại, chúng tôi tập trung vào các giải pháp phục vụ người dùng tốt hơn, từ đó mở rộng tệp người dùng và tạo ra một “miếng bánh” to hơn, đồng thời gia tăng lợi ích mà kinh tế số mang lại cho mọi người.
Cảm ơn chia sẻ của bà!