Gói lãi suất 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm: Vướng mắc không đến từ ngân hàng

PV | 16:21 10/11/2023

Với việc lãi suất vay ngân hàng tháng 11/2023 tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực cho thấy hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có “độ ngấm”. Gói lãi suất 120.000 đồng cho vay xây, mua nhà ở xã hội giải ngân vẫn chậm, tuy nhiên vướng mắc không ở phía ngân hàng.

Gói lãi suất 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm: Vướng mắc không đến từ ngân hàng

Lãi suất giảm từ 1-3%

Theo khảo sát của MarketTimes, lãi suất vay ngân hàng tháng 11 đã giảm từ 1-3% so với thời điểm đầu năm.

Khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất, đó là lãi suất vay ưu đãi trong một khoảng thời gian cố định và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%.

Cụ thể, ở nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước (Big 4), lãi suất ưu đãi cho vay ở mức 7,8%-8,5%/năm, kỳ hạn tối đa đối với BIDV là 30 năm, Vietinbank và Vietcombank cùng 20 năm, Agribank 5 năm, biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay sau ưu đãi ở mức từ 3-4,5%.

Nhóm các ngân hàng như SHB, OCB, Sacombank… lãi suất ưu đãi cho vay 7,5%, biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay sau ưu đãi từ 3,5-4,4%. Nhóm các ngân hàng có mức cho vay ưu đãi từ 9 – 9,75% như VIB, SeABank, PvcomBank…biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay sau ưu đãi từ 2 – 4,3%. Ngoài ra, một số ngân hàng có mức cho vay ưu đãi thấp như VPBank 5,9%/năm, GPBank 6,25%/năm; biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay sau ưu đãi 3%...

Những điểm lưu ý cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay khác

Từ 1/9/2023, các tổ chức tín dụng được phép phê duyệt cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh như quy định cũ.

Đối với các khoản vay ưu đãi này, hầu hết các tổ chức tín dụng đều cho phép khách hàng dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp hoặc tiền gửi, BĐS của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.

Hiện, Vietinbank đang có chính sách khá tốt, mức ưu đãi từ 5,6%/năm với mục đích vay sản xuất kinh doanh, từ 7,5%/năm đối với mục đích vay tiêu dùng. Khách hàng có thể vay tối đa 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Vietcombank có mức cho vay từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu; hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu; hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi, mức lãi suất sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Agribank cho vay ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu; hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu; hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu, dành cho khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác, thời gian áp dụng từ 3/10.

Tuy nhiên, việc vay theo chương trình này khách hàng cần lưu ý sẽ phải chịu một khoản phí trả nợ trước hạn, khoảng 0,5-3%. Ngoài ra, sẽ có một số chi phí phát sinh như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới…

Gói 120.000 tỷ đồng: Không vướng mắc ở ngân hàng

Đối với lãi suất vay mua nhà gói tín dụng 120.000 tỷ: 8,7%/năm đối với chủ đầu tư, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; 8,2%/năm đối với người mua nhà, kéo dài trong 5 năm kể từ ngày giải ngân.

Mức lãi suất vay ngân hàng trên sẽ không cố định, cứ định kỳ 6 tháng phía Ngân hàng nhà nước sẽ có thông báo điều chỉnh đến các ngân hàng tham gia chương trình này.

Hiện cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng cam kết mỗi ngân hàng sẽ cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10/2023, mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh với số tiền giải ngân 82,7 tỷ đồng.

Trước tình hình giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trên cả nước dường như vẫn đang “giậm chân tại chỗ” sau 8 tháng triển khai. Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay, chỉ mới có 3 dự án với 105 tỷ đồng ở 3 tỉnh, thành phố được giải ngân.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời quan qua, việc giải ngân gói tín dụng còn hạn chế do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản" mới đây, ông Nguyễn Minh Trí, Thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank từ ngày đầu tiên triển khai chương trình đã đăng ký 30.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay có những giai đoạn có thể giảm hơn 2 điểm % so với quy định để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

“Hiện không có vướng mắc gì trong câu chuyện giải ngân của phía ngân hàng. Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2 dự án đang chờ đợi thủ tục để được ngân hàng giải ngân. Hiện ngân hàng giải ngân chưa nhiều, nhưng luôn sẵn sàng và chỉ cần doanh nghiệp có đủ điều kiện pháp lý là giải ngân”, ông Nguyễn Minh Trí nói.

Còn Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến gói tín dụng này giải ngân không được nhiều là do có mức lãi suất chưa hợp lý. Cụ thể, lãi suất cho vay cố định trong khoảng thời gian đầu sau đó thả nổi. Điều này không hấp dẫn cả bên chủ đầu tư và người mua nhà, vì không thể duy trì được mức lãi suất 8,2%/năm cố định trong nhiều năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Gói lãi suất 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm: Vướng mắc không đến từ ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO