Trong tuần trước, giá dầu WTI đã tăng 3,3%, còn Brent dịch chuyển nhẹ lên gần 120 USD/thùng. Tuy nhiên, đã có thời điểm trong tuần, giá dầu thô Brent giao tháng 7 đã tăng vọt lên hơn 124 USD/thùng khi thị trường tiếp nhận thông tin các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev hồi cuối tháng 2. Đây là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của EU áp lên Nga vì đã đưa quân vào Ukraine.
10% còn lại sẽ tạm thời được miễn lệnh cấm vận để Hungary, quốc gia không giáp biển cùng với Slovakia và Séc tiếp tục tiếp nhận dầu Nga qua đường ống Druzhba cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.
EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 27% dầu từ Nga. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê-út.
Theo khảo sát của MarketTimes, tuần vừa qua ( từ ngày 30/5 đến 5/6), thị trường xăng dầu trong nước vẫn trên đà tăng. Các chuyên gia cũng nhận định đà tăng của giá xăng dầu đang tạo sức ép lớn đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Chính phủ.
Hôm nay (6/6), thị trường xăng dầu vẫn tiếp đà tăng mạnh.
Cụ thể, ở thị trường trong nước , giá bán sẽ áp dụng mức điều chỉnh từ 15h ngày 1/6/2022.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, lên mức 30.235 đồng/lít; Giá xăng RON 95 cũng tăng 921 đồng/lít, lên ngưỡng 31.578 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh. Giá dầu DO 0,05s-II tăng 841 đồng/lít, lên mức 26.394 đồng/lít; Dầu hoả tăng 941 đồng, lên mức 25.346 đồng/lít; Dầu mazut tăng 303 đồng, lên mức 20.901 đồng/lít.
Trên thế giới, phiên sáng nay, (6/6, giờ Việt Nam), cả hai hợp đồng dầu thô mở phiên đầu tuần đều tăng gần 2 USD, dầu thô WTI giao dịch trên ngưỡng 120 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu trên mốc 121 USD/thùng.
Dự báo giá xăng dầu sẽ giữ đà tăng do Ả Rập Xê Út vừa cho tăng giá bán dầu sang các thị trường châu Á. Bên cạnh đó, các nước châu Âu, Trung Quốc... đẩy mạnh mở cửa, phục hồi kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng, nhu cầu dường như chưa phản ứng với đà tăng của giá năng lượng. Trên CNBC, Công ty tư vấn Sankey Research dự kiến các giao dịch dầu mỏ sẽ ở mức từ 100 - 150 USD/thùng cho đến khi tình hình ở Ukraine được giải quyết. Thậm chí, trong mùa hè này và có thể kéo dài sau đó, giá dầu dao động quanh mức 110 - 150 USD/thùng.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải trong tuần vừa rồi cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Cùng với các cam kết hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ, thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong cả lĩnh vực giao thông và sản xuất sẽ còn phục hồi, sau khi sụt giảm trong giai đoạn tháng 3 tháng 4.
Các phân tích cho thấy, nhiều yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng trong tuần này, bất chấp quyết định tăng sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cụ thể, lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) đến cuối năm nay; các biện pháp hạn chế chống Covid-19 của Trung Quốc tại trung tâm tài chính Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh đã được nới lỏng; dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm hơn 5 triệu thùng, tồn kho thương mại và dự trữ xăng cũng giảm mạnh...
Tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu
Để có thể điều chỉnh giảm giá xăng dầu cần sự vào cuộc của cả Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo đó, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu 3 giải pháp để bình ổn thị trường và giá xăng dầu.
Cụ thể, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, đơn cử, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Hơn nữa, cần đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách… và các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…