Sáng 25/2, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng tăng mạnh khi vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn DOJI đồng loạt tăng thêm 300 nghìn đồng/lượng, nâng giá lên 90 – 92,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và giá bán duy trì ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Phú Quý và Công ty Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng SJC cũng tăng 300 nghìn đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 90,3 – 92,3 triệu đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, lên 90 – 92,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Riêng vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng 9999 tại Tập đoàn DOJI sáng nay ghi nhận mức tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước, nâng giá lên 91,5 – 92,3 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Phú Quý, vàng nhẫn Phú Quý 999.9 giao dịch ở mức 90,8 – 92,3 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên trước. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán với vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng Rồng Thăng Long, niêm yết mức giá mới 90,8 – 92,4 triệu đồng/lượng.
.png)
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới trong sáng nay giao dịch ở mức 2.946,1 USD/ounce, tăng 7,1 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 91,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hiện chỉ còn cách mốc quan trọng 3.000 USD/ounce chưa đầy 50 USD, một ngưỡng mà chỉ vài tháng trước vẫn được xem là xa vời. Điều đáng chú ý là dù giá vàng tăng mạnh, đồng USD cũng đang trên đà đi lên.
Cụ thể, chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt – đã tăng 0,16% lên 106,8 điểm. Điều này cho thấy vàng vẫn duy trì xu hướng đi lên bất chấp mối quan hệ ngược chiều truyền thống với USD, phản ánh niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý này. Theo giới phân tích, xu hướng này chủ yếu do dòng vốn chuyển dịch vào các tài sản trú ẩn an toàn khi bất ổn toàn cầu gia tăng.
Một trong những động lực chính khiến giá vàng tăng mạnh là những thay đổi trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại. Dù Mỹ hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, mức thuế 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn được triển khai.
Bên cạnh đó, ông Trump còn đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại, dự định áp thuế bổ sung đối với thép và nhôm từ nhiều quốc gia khác, dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 3.
Ngoài ra, hoạt động mua vàng thỏi mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương cũng tạo ra lực đẩy lớn cho giá vàng, góp phần đưa kim loại quý này lên những mức cao kỷ lục mới.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 400 USD, tương đương khoảng 12%, đánh dấu chuỗi tăng kéo dài 9 tuần liên tiếp.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu. Khi mốc 3.000 USD/ounce ngày càng đến gần, giới đầu tư đang dõi theo sát sao để xem liệu đợt tăng giá này có thể kéo dài và giúp vàng vượt qua cột mốc quan trọng hay không.