Sở Nông nghiệp Angola đến tận nơi xem team châu Phi cách trồng lúa, bất ngờ khi người Việt giúp dân bản hoàn toàn miễn phí

Khánh Vy | 13:56 16/04/2025

Cán bộ Sở Nông nghiệp cho biết sẽ nghiên cứu mô hình trồng lúa của team châu Phi để phát triển tại các tỉnh Angola.

Sở Nông nghiệp Angola đến tận nơi xem team châu Phi cách trồng lúa, bất ngờ khi người Việt giúp dân bản hoàn toàn miễn phí

Sang Angola làm nông nghiệp, team châu Phi rất chăm chỉ khai hoang, tìm hướng đi mới, trồng cấy các loại rau màu mới, đặc biệt là cây lúa.

Ở Angola, nhiều nơi vẫn chưa có vùng canh tác lúa. Lúa nước lại càng xa lạ hơn, vì từ cách gieo trồng đến chăm sóc đều khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Thế nên việc người Việt đến đây trồng thành công được nhiều lãnh đạo đặc biệt quan tâm.

Mới đây, một cán bộ đến từ Sở Nông nghiệp tỉnh Huambo đã có chuyến thăm thực tế tới trang trại trồng lúa của nhóm người Việt Nam do anh Thế Nhân phụ trách, nhằm tìm hiểu mô hình canh tác lúa nước.

Vị cán bộ cho biết, chuyến thăm nằm trong khuôn khổ hoàn thiện luận án công tác trên tỉnh, đồng thời phục vụ cho một dự án phát triển cây lúa tại khu vực Chaika, tỉnh Huambo. Bà mong muốn hiểu thêm về quy trình cấy, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản lúa, với mục tiêu rút ra những kinh nghiệm thực tế để hạn chế tình trạng hư hỏng lúa thường gặp.

screenshot-1149-.png

Trong buổi làm việc, anh Thế Nhân chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên nhóm người Việt tiến hành cấy lúa nước tại Angola, dưới sự phối hợp với trưởng thôn Kapingala và thư ký bản Caiti.

Do điều kiện khai hoang ban đầu rất khó khăn - đất đai toàn sỏi đá, cỏ dại, cây bụi - nên nhóm đã cải tạo dần, từng bước hình thành những thửa ruộng đủ tiêu chuẩn để trồng lúa. Hiện tại, diện tích canh tác vẫn dưới 1 ha, song dự kiến sẽ mở rộng trong tương lai gần với mục tiêu cấy được 2 vụ/năm.

screenshot-1150-.png
screenshot-1151-.png
screenshot-1148-.png

Giống lúa được sử dụng là HG12 – một giống lúa nước được team châu Phi mang trực tiếp từ Việt Nam sang. Đây là giống cho năng suất cao, theo anh Thế Nhân, vượt trội so với các giống lúa cạn Nhật Bản đang được cán bộ nông nghiệp tại Huambo thử nghiệm. Một thửa ruộng với chiều dài 80m, rộng 30m đã cho sản lượng gạo đáng kể, chứng minh tiềm năng của mô hình.

Ngoài canh tác lúa, trang trại cũng thử nghiệm các loại cây trồng khác như khoai, mía, đậu, lạc, ngô – với diện tích ngô lên đến 4 ha. Đất đai được chia thửa, dẫn mương nước, và sử dụng phân bón nhập khẩu từ Việt Nam, chủ yếu là hỗn hợp NPK và Ure.

screenshot-1159-.png
screenshot-1160-.png
screenshot-1161-.png

Trong quá trình gieo trồng, trang trại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc thời tiết lạnh khiến lúa khó phát triển, cùng tình trạng vịt trời phá hoại mùa màng. Để khắc phục, nhóm đã giăng lưới và thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh trên cây bằng cách quan sát màu sắc và hình thái của thân, lá, kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật cũng được nhập từ Việt Nam.

Trang trại hiện đã thu hoạch xong vụ đầu tiên, thóc được phơi khô, xay xát thành gạo – bao gồm cả gạo nếp Hà Tĩnh – và sẽ chia cho người dân địa phương.

screenshot-1152-.png
screenshot-1153-.png

Kết thúc buổi làm việc, vị cán bộ bày tỏ lo lắng rằng nếu không có sự đồng hành lâu dài, người dân địa phương sẽ khó duy trì và phát triển mô hình. Vì vậy, họ cần chăm chỉ học hỏi, không được lãng phí những hạt lúa, hạt ngô được làm ra. Bà còn cho biết, giá phân bón tại Angola hiện rất đắt, dao động 40.000-50.000 Kz mỗi bao, tương đương 1,1- 1,4 triệu đồng.

"Chúng tôi cũng có một số chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp nhưng khi thời hạn kết thúc, mọi việc lại đi vào ngõ cụt. Giờ các anh ấy đến đây và trực tiếp hướng dẫn cho mọi người học hỏi và tiếp thu kỹ thuật cùng nhau xóa đói. Đặc biệt còn làm miễn phí, người dân hãy tận dụng điều đó."

screenshot-1154-.png
screenshot-1155-.png

Anh Thế Nhân cũng khẳng định: “Tôi đã gắn bó với Angola được hơn 20 năm. Chúng tôi đến đây không đơn giản canh tác mà còn để hướng dẫn. Mục tiêu là sau vài mùa, người dân có thể tự lập, tự đầu tư và phát triển bền vững mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.”

Chuyến thăm kết thúc, Thế Nhân có gửi tặng lại hạt thóc giống và 1 bao gạo để Sở Nông nghiệp có thể nghiên cứu, từ đó mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp giữa người Việt và chính quyền địa phương tại Angola.


(0) Bình luận
Sở Nông nghiệp Angola đến tận nơi xem team châu Phi cách trồng lúa, bất ngờ khi người Việt giúp dân bản hoàn toàn miễn phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO